Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Nhìn lại loạt bài: “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”

 Báo Người Lao Động

13-03-2008 - 11:58 AM|Thời sự trong nước

 

(NLĐO)- Vừa qua, giới làm báo cũng như bạn đọc cả nước xôn xao trước loạt bài  viết về “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động” Để dư luận hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến lịch sử dân tộc và khoa học lịch sử, theo đề nghị của TTXVN, Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đã viết bài phản biện những vấn đề được đề cập trong loạt bài báo nói trên. Bạn đọc có nhu cầu tham khảo những trích dẫn tên sách và tài liệu khoa học trong bài, xin liên hệ trực tiếp với Tiến sĩ Nguyễn Việt (ĐTDĐ 0903440102 hoặc Email: dr nguyenviet@yahoo.com).

Quả là nhà báo Hoàng Hải Vân và báo Thanh Niên đã đạt được mục tiêu gây “chấn động” thông qua loạt bài viết về thiền sư Lê Mạnh Thát và mượn lời thiền sư để gây ra một chấn động thực sự trong giới sử học cũng như những người yêu sử. Tôi viết bài này với cả hai tư cách : Người nghiên cứu lịch sử và người yêu sử. 1. Có thể thiền sư Lê Mạnh Thát đã có những phát hiện có giá trị cao về tư liệu lịch sử. Nhà báo Hoàng Hải Vân (HHV) đã mở đường cho loạt bài của mình bằng phần giới thiệu rất ấn tượng về thiền sư Lê Mạnh Thát (LMT) (học vấn uyên bác, nhiều bằng cấp học vị, thông thạo nhiều ngoại ngữ và có trọng trách trong Phật giới). Tuy nhiên, do hoạt động khoa học của ông chủ yếu ở trong Phật giới nên quả thực không mấy người trong giới học thuật “ngoài đời” biết tiếng ông. Bản thân tôi, sau khi đọc loạt bài viết về ông, xin có mấy ý kiến như sau : a. Thiền sư LMTcó thể là một nhà nghiên cứu Phật giáo uyên bác. Ông đã có điều kiện và đã dành rất nhiều công sức để khai thác từ những tàng thư kinh Phật và sách sử liên quan đến kinh Phật. Quả thực, đây là một loại hình tư liệu có liên quan đến lịch sử văn hoá dân tộc nhưng không dễ khai thác đối với các nhà khoa học ngoại đạo. Chúng ta đều biết rằng nhà chùa và nhà thờ trong một thời gian dài dưới thời trung cổ luôn là những trung tâm văn hoá, giáo dục kiến thức khoa học. Rất nhiều nơi trên thế giới, các trường đại học đầu tiên ra đời từ các trung tâm tôn giáo như vậy. Trong hệ thống này, từ rất sớm đã có những kho lưu trữ, tàng thư, thư viện và những nhà tri thức uyên bác. Vì vậy, tôi trân trọng và đánh giá cao một số phát hiện của thiền sư LMT mà nhà báo HHV đã giới thiệu trong loạt bài viết, ví dụ cuốn Lục độ tập kinh, sáu lá thư hồi đầu công nguyên, một số văn cảo, thơ ca do các nhà sư Việt Nam trước tác...Chắc chắn tới đây tôi và nhiều đồng nghiệp khác sẽ mong muốn được tiếp cận tìm hiểu những tư liệu mới này. b. Có nên chăng chỉ vì những phát hiện cá nhân về sử liệu mà xúc phạm các bậc tiền nhân : Không hiểu những hành vi của thiền sư được nhà báo HHV viết trong bài có đúng sự thực không, như việc nhà sư bức xúc nổi xung văng tục trước nhà Sử học Ngô Sĩ Liên, chê cười một cách quá dễ dãi đối với nhà bác học Lê Quý Đôn hoặc trở nên “đanh đá” một cách thái quá với Triệu Đà, An Dương Vương. Tôi không muốn luận bàn về học thuật với thiền sư LMT chỉ thông qua những bài viết của nhà báo HHV, nhưng nếu nhà báo HHV viết chân thực về thiền sư thì quả thực ta thấy những lời trách cứ tiền nhân mà ông và nhà báo Hoàng Hải Vân sử dụng thật vội vàng và khó tiếp thu quá. Đó là chưa kể, khi đi vào thảo luận học thuật, chưa chắc thiền sư Lê Mạnh Thát đã hiểu đúng bản ý của sử gia Ngô Sĩ Liên. Những lầm lẫn của nhà bác học Lê Quý Đôn khi dẫn chép lại các sách sử xưa cũng đã được phát hiện không phải là ít, chính vì vậy mới có công tác hiệu đính, bổ sung văn bản. Những nhầm lẫn như vậy trong khoa học cũng như trong sách sử kể ra thì nhiều lắm. Nhưng ngay cả những nhà hiệu đính văn bản cổ vào hạng bậc thầy như các giáo sư Đào Duy Anh, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng … khi phát hiện những sai sót cũng chưa bao giờ dám dùng đến từ “khốn nạn” trên mặt báo để trách cứ, phê phán tiền nhân như thiền sư Lê Mạnh Thát. c. Thiền sư LMT có thể là một học giả uyên bác nhưng không phải một nhà sử học chuyên nghiệp. Phải thừa nhận rằng bằng trí tuệ thông thái và lòng ham mê tra cứu, thiền sư LMT sẽ còn mang lại nhiều phát hiện mới về sử liệu và văn học có giá trị cho Phật học và Khoa học nhân văn Việt Nam nói chung. Chúng ta đang sống trong thời đại có xu hướng chuyên hoá các lĩnh vực hoạt động xã hội. Rõ ràng, trong phạm vi Phật học, chắc chắn thiền sư LMT là một chuyên gia rất đáng kính nể. Ông đã từng dồn tâm sức, trí tuệ trong việc khai thác kho tàng văn bản của các tàng thư phật giáo trong và ngoài nước, nhưng đã không quên góp sức vào việc đời bằng những phát hiện, thu thập tư liệu liên quan đến lịch sử dân tộc với nguyện vọng làm chính xác hơn lịch sử. Tuy nhiên, không mấy khó khăn để nhận ra ông không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp. Tôi nhận thấy và cảm thông những lúng túng, tuỳ tiện trong cách xử lý tư liệu của ông. Ví dụ ông tự cho mình cái quyền suy diễn chữ “Việt luật” trong tờ tấu của Mã Viện là bộ luật “thành văn” để chứng minh sự tồn tại một bộ máy nhà nước của người Việt đã có những văn bản pháp luật viết bằng chữ Việt cổ (TN 28.2.08). Ở đây có hai vấn đề, thứ nhất “Việt” là một phạm trù tộc danh rất rộng chỉ chung những nhóm tộc người khác Hoa Hạ ở phía nam sông Giang Thuỷ (Trường Giang). Bản thân chữ Việt không bao hàm nghĩa quốc gia, nhà nước. Thứ hai, khi người Hán (tên gọi người Hoa Hạ dưới thời nhà Hán) chinh phục miền đất phía nam của người Việt nhận thấy phong tục của người Việt khác phong tục của người Hán khó cho việc cai trị nên mới xuất hiện bản tấu của Mã Viện. “Luật” ở đây phải hiểu là “luật tục” như từ ngữ mà chúng ta hiện dùng cho các quy ước xã hội trong các vùng dân tộc thiểu số nước ta. Nhiều nhà khoa học nước ta cũng như các học giả trên thế giới rất muốn chứng minh tính chất nhà nước của xã hội Hùng Vương, nhưng chưa ai dám dùng “Việt luật” trong bản tấu của Mã Viện để làm bằng chứng như thiền sư cả. Không phải họ không biết bản tấu của Mã Viện, mà ở chỗ không ai chứng minh được “Việt luật” trong tấu chương đó là một quyển sách có chữ viết thể hiện cho cuốn luật của một nhà nước. Trong một đoạn khác, khi thiền sư LMT muốn minh chứng một “thiện ý” là nước ta không bị nhà Tây Hán đô hộ sau khi họ chinh phục được nước Nam Việt của Triệu Đà, ông đã sử dụng phương pháp loại trừ “Phiên Ngung” không thể coi như “nơi đô hội” bằng cách chia bình quân số nhân khẩu của quận Nam Hải ra cho 6 huyện để tự áp cho Phiên Ngung - từng là thủ phủ của nước Nam Việt, một con số trung bình (15 ngàn người) để so với các huyện của Giao Chỉ trung bình lên đến 75 ngàn người. Từ đó suy ra Giao Chỉ không thuộc Tây Hán (TN 3.3.08). Hình như ông đã không tham khảo các công trình nghiên cứu về Lịch sử nhân khẩu học và Lịch sử địa lý Trung Quốc và cũng cố tình không để ý đến ngụ ý Phiên Ngung thành trấn (“đô hội”) chứ không phải cả một vùng Phiên Ngung huyện. Nếu biết rằng trong toàn quận Nam Hải lúc đó có 94.253 khẩu nhưng mật độ dân số trung bình chỉ đạt dưới 1 người trên 1 km vuông , thì con số tập trung ở Phiên Ngung thành trấn phải lên tới hàng chục ngàn người cư trú quanh một thành trì tương tự như quy mô thành Lũng Khê (Bắc Ninh) mỗi bề chừng 2 km mà khảo cổ học đã khai quật nhiều lần. Người ta cũng đã khai quật được hàng ngàn mộ Hán tập trung tại thành Phiên Ngung này. Trong tương quan dân số đương thời, đó thực sự là một “nơi đô hội”. Tìm về chữ viết thời Hùng vương đã và sẽ còn thu hút công sức của nhiều nhà nghiên cứu: các giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Đinh Gia Khánh, Hà Văn Tấn, và rồi gần đây báo chí đưa tin một nhà giáo ở Phú Thọ đã lặn lội hàng chục năm hưu trí của mình để lần tìm về chữ viết tổ tiên. Thiền sư LMT cũng đã dành nhiều tâm huyết cho công việc này. Tuy nhiên, khi gắng tìm về chữ viết của người Việt, thiền sư LMT cũng có những suy luận, đoán định thiếu khách quan, ví như trường hợp ông dẫn ra một ngôi mộ gạch người Pháp đào được ở Bắc Ninh hồi đầu thế kỷ trước có chữ kiểu Hán ghi trên gốm mà người Hán không đọc được. Thứ nhất, không phải chữ Hán nào người Hán cũng đọc được – vì thế mới có ngành giáp cốt, minh văn học. Suy luận rằng chữ mà người Hán không đọc được là chữ Việt thì cũng là hơi vội vàng. Dạng chữ giống chữ phạn cổ thường được in trên gạch mộ Hán đương thời nhiều khi người Hán không đọc được đã đành, thậm chí những chuyên gia chữ phạn cũng chỉ đoán mà thôi, bởi người thợ làm gạch không biết chữ đôi khi đã vẽ lên theo kiểu làm dáng. Hiện tại tôi đang giữ một viên gạch như vậy khai quật trong một mộ Hán ở Sông Khoai (Yên Hưng, Quảng Ninh). Thậm chí mãi sau này, đến tận đời nhà Minh, Thanh, khi vẽ chữ lên gốm, nhiều người thợ Trung Hoa ít chữ vẫn chỉ vẽ “tạo dáng” chữ Hán khiến chúng ta chỉ có thể đoán định dựa vào mẫu những chữ đã biết. Tôi cũng vừa tiến hành khảo sát những chữ Hán 100% được khắc trên các đồ đồng Đông Sơn, trên môt số trống đồng, thạp đồng, trong số gần 50 chữ, có vài ba chữ tôi và các chuyên gia cũng chưa đọc được, không thể đoán những chữ đó là chữ Việt được. Thứ hai, mộ gạch Hán chỉ xuất hiện ở Việt Nam lác đác vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Những mộ gạch đào được ở Bắc Ninh, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hải Dương đa phần thuộc thế kỷ thứ II sau công nguyên, chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hoá thời Đông Hán. Chữ trên gạch và gốm tuỳ táng đều là chữ Hán và có thể đọc được. Chúng tôi đang có trong tay hàng trăm chữ dạng như vậy.

(Còn tiếp)

B.T.T

 

Đăng lại từ địa chỉ:

https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhin-lai-loat-bai-thien-su-le-manh-that-va-nhung-phat-hien-lich-su-chan-dong-217847.htm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét