Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

ĐI QUA MIỀN NHỚ



Đi qua con đường xưa
Hàng me dài thương nhớ
Chiều cuối hạ tuôn mưa
Giọng ve sầu nức nở.

Không còn niềm háo hức
Nôn nao ngày tựu trường
Bây giờ là ray rứt
Xa rời miền thân thương.

Đời mưa cuồng thác lũ
Mộng hoàng hoa lỡ làng
Những ngày yêu dấu cũ
Trôi theo dòng thời gian.

Tình thắm rồi tình phai
Lời nồng nàn cũng nhạt
Tay trắng hoàn trắng tay
Nghe  buồn lên tiếng hát.

Về ngang qua trường vắng
Áo trắng người xưa đâu?
Cây phượng già thinh lặng
Chỉ giọng ve rưng sầu.

Mấy mùa hoa phượng thắm
Ra đi chẳng hẹn hò
Em xa từ lâu lắm
Khuất nẻo đời quanh co.


Ngô Chí Trung
  29-7-2018

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Chuyện phiếm thời… hậu hiện đại: Thôi rồi Lương ơi!

Tôi bắt đầu được học tiếng Anh từ khi vào lớp 6, và thầy Lương là thầy giáo dạy tiếng Anh đầu tiên của tôi. Thầy Lương tốt nghiệp sư phạm khoa tiếng Pháp, do có người quen trong ban giám hiệu nên thầy được nhận về trường tôi. Nhưng trường tôi khi đó không có môn tiếng Pháp, chỉ có Anh và Nga, mà Anh thì biên chế hết rồi, không chen vào được nữa, nên thầy đành học cấp tốc một khóa tiếng Nga rồi vào trường làm giáo viên dạy Nga. Thật may cho thầy Lương là vài năm sau, một bà giáo viên tiếng Anh của trường tôi nghỉ hưu, nên thừa ra một suất biên chế tiếng Anh, thế là thầy Lương lại học cấp tốc một khóa tiếng Anh để chuyển sang làm giáo viên Anh. Thành ra, thầy Lương nói tiếng Anh nghe rất giống tiếng Nga, còn nói tiếng Nga thì lại như là nói tiếng Pháp…
Có lẽ vì thế mà hôm đầu tiên học từ mới, thầy không đọc mà viết phiên âm lên bảng rồi chỉ từng từ, chúng tôi ngồi dưới ngoan ngoãn đọc theo: “Ai (I) là tôi, tôi là ai, họ (they) là dây, chúng ta (us) là ớt, say là nói, nói là say, hiếp (help) là giúp, giết (kill) là kêu, trẻ con (kid) là cứt…”. Tôi đọc theo rất hăng, nhưng trong lòng lại có đôi chút thất vọng, bởi trước đó, tôi vẫn nghĩ tiếng Anh nó phải văn minh, lịch sự lắm, ai ngờ lại toàn hiếp với giết, lại còn coi trẻ con như cứt”.
Cũng cần nói thêm là học tiếng Anh khó khăn ở chỗ chữ viết một đàng, cách đọc một nẻo. Do đó thế giới người ta dùng bộ phiên âm quốc tế để ghi cách đọc tiếng Anh. Hồi trước 1975 ở Sài-Gòn có một trường dạy Anh văn của tư nhơn do ông Lê Bá Kông thành lập tên gọi là trường Ziên Hồng. Trường này cũng “sáng chế” ra cách ghi âm đọc tiếng Anh được gọi là “phiên âm Ziên Hồng” Có lẽ thầy Lương cũng bắt chước nên dạy cho chúng tôi một số phương pháp học từ mới rất hay, tạm gọi là “phiên âm kiểu thầy Lương”. Chẳng hạn như từ Security: thầy phiên âm nó thành Sờ-cu-rờ-ti. Thầy giải thích: Ai hay sờ cu rờ ti? Chính là mấy bác bảo vệ đứng canh ở chợ, khi nghi ngờ ai đó ăn cắp đồ, bác sẽ sờ cu rờ ti khắp người để kiểm tra. Bởi thế, Security nghĩa là “bảo vệ”. Với từ December – thầy phiên âm thành “Đi xem bơi” – thầy kể là làng thầy có hội thi bơi diễn ra vào đúng tháng mười hai, bởi vậy, “Đi xem bơi” là “tháng mười hai”... Với từ “ant” - tức là “kiến” - thì thầy dặn chúng tôi hãy liên tưởng tới tên một quận của Hải Phòng: quận Kiến Ant, vân vân…
Lần ấy tôi đi thi tin học, phần soạn thảo văn bản, hì hục làm cả tiếng đồng hồ, lúc gần xong thì máy tính nó hiện lên cái câu hỏi tiếng Anh gì đó tôi không dịch được, chỉ biết là nó bắt tôi chọn giữa “Yes” và “No”. Tôi đang băn khoăn không biết phải chọn cái gì thì may quá, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy thầy Lương đang đi về phía nhà vệ sinh. Tôi liền gọi giật thầy lại và nhờ thầy giúp xem là tôi nên chọn click vào đâu. Thầy bảo: “No, No”, rồi ôm bụng chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Tôi nghe lời thầy, chọn “No”: thế là xong toi, toàn bộ bài của tôi mất sạch. Hoá ra, câu đó là máy tính nó hỏi tôi có muốn lưu lại nội dung tôi vừa làm hay không. Bị rớt môn tin học, tôi bực quá, trách thầy, thì thầy bảo là lúc đó thầy đang đau bụng phải đi… gấp, thầy bảo “No, No” tức là thầy đang vội, không giúp được, chứ có phải là thầy nhắc đâu.
Rồi cái lần lớp tôi có đoàn cán bộ trên phòng giáo dục về dự giờ. Thầy Lương đặt một câu hỏi tiếng Anh đại ý là sau này lớn lên bạn mơ ước làm nghề gì. Câu này với tôi quá dễ, vì từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ chú Tuấn – chủ đề, người giàu nhất làng tôi. Tất cả các quán ghi lô đề ở làng tôi đều là chi nhánh tay chân của chú Tuấn. Đánh con số gì, thậm chí cầm cố cả nhà, cả xe để đánh đề thì chú Tuấn cũng sẵn sàng ôm hết. Nói túm lại, chú Tuấn là một chủ đề rất có uy và được dân chơi trong và ngoài làng kính nể, nên không chỉ tôi mà rất nhiều đứa trẻ trong làng tôi đều ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một chủ đề giống như chú.
Tôi giơ tay xung phong rồi đứng lên dõng dạc trả lời: “I want to be a topic”. Trả lời xong thì tôi thấy thầy Lương cũng như mấy cán bộ của phòng giáo dục mặt cứ nghệt ra như ngỗng đực, chắc là không hiểu gì. Tôi lại phải giải thích cặn kẽ rằng “topic” là chủ đề - một nghề nhàn hạ, nhanh giàu, và rất được nể trọng. Thầy Lương cùng các cán bộ nghe xong thì vỗ tay rào rào, khen tôi đặt câu hay quá. Tôi được cho điểm 10, còn lớp tôi tiết ấy được cho giờ Tốt.
Hồi đó tôi cũng biết là muốn nói tiếng Anh tốt thì phải chịu khó thực hành với Tây, nhưng quê tôi thóc lúa, heo gà nhiều, chứ Tây thì bới đâu ra? Vậy mà hôm ấy, khi lớp tôi đang lao động dọn cỏ trước cổng trường thì tự nhiên có hai thằng Tây lạc đường tiến lại gần hỏi thăm gì đó. Nhìn thấy Tây, mắt tôi sáng lên. Tôi lao đến đứng trước mặt hai thằng Tây, rồi xổ ra một tràng tiếng Anh với giọng đầy tự tin. Tôi nói xong, hai thằng Tây nhìn nhau lắc đầu hoang mang. Cũng may, lúc ấy thầy Lương xuất hiện, thầy bắt tay hai thằng Tây, rồi nói câu gì đó rất dài. Đúng là thầy nói tiếng Anh có khác, hai thằng Tây không còn hoang mang nữa mà chúng nhăn mặt, cau mày lại, xong lắc đầu vẻ ngán ngẩm rồi bỏ đi. Trước khi đi, chúng còn lẩm bẩm câu gì đó tôi không hiểu, vì chỉ nghe được hai từ là “shit” với “fucking” gì đó…
Tôi hỏi thầy là sao mình nói mà bọn Tây nó không hiểu vậy, thì thầy ân cần giảng giải: “Tiếng Anh nó cũng giống tiếng Việt mình vậy: Tiếng Việt có giọng Bắc, giọng Nam, giọng Huế, giọng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi... Cùng là người Việt nhưng em nghe mấy người dân tộc nói em có hiểu gì không? Thì mấy thằng Tây ấy cũng vậy: chúng nó nói tiếng Tây, nhưng là Tây thuộc dân tộc thiểu số miền núi, còn chúng ta nói tiếng Tây phổ thông, chúng nó không hiểu là đúng rồi”.
Năm ấy thi tốt nghiệp, trường tôi có 114 bạn bị rớt – trong đó có tôi, và lý do rớt hầu hết là bị điểm liệt môn tiếng Anh của thầy Lương. Thầy Lương buồn lắm, ôm chúng tôi, bảo: “Thầy có một ước mơ cháy bỏng đó là có thể sửa điểm tốt nghiệp để cho 114 em đỗ sạch”. Sau năm ấy, thầy bị cho nghỉ việc. Từ đó, chúng tôi không biết thầy đi đâu, và cũng không nhận được tin tức gì về thầy nữa…
Cho đến một hôm, khi đọc báo nghe tin ở một xứ sở thuộc miền biên viễn xa xôi có ông Lương nào đó đã sửa điểm tốt nghiệp cho 114 học sinh thì chúng tôi mới giật mình sững sờ. Thầy ơi, liệu có phải đó là thầy không? Thầy đã luồn lách và leo lên được chức vụ cao như vậy sao? Chúng em rất tự hào và xin chúc mừng vì thầy đã thực hiện được mơ ước cháy bỏng năm nào!
Nếu nhà văn Vũ Trọng Phụng – tác giả “Số đỏ” còn sống, chắc hẳn ông sẽ viết thêm một tác phẩm trứ danh nữa với tựa đề “Số đen” mà nhân vật chính là thầy Lương…
Tác giả: Võ Tòng Đả Thử



(Ngô Chí Trung lượm lặt trên mạng; có biên tập sửa chữa, thêm thắt một vài chỗ cho phù hợp với ngữ cảnh. Dĩ nhiên đây là chuyện hư cấu nhưng không bắt buộc phải khác sự thật).

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Gởi lại thời gian



Áo em phơ phất trên đường
Chân ta chợt vấp làn hương, giật mình
Tóc xòa vai nuột nà xinh
Con tim run rẩy lời tình tự trao.

Nụ hôn chưa kịp thắm màu
Mùa thu đã úa hanh hao xuân thì
Em làm én trắng thiên di
Sớm mưa, trưa nắng, chiều vi vút chiều.

Đêm quờ quạng nỗi cô liêu
Vừa lao xao tỉnh lại dìu dặt mê
Chiêm bao thấy bóng em về
Lạnh lùng mưa dội tái tê gió lùa.

Tóc phơi sương nắng mấy mùa
Bước chân mấy độ giòn khua phong trần
Đường chia mấy nẻo phân vân
Một đời mấy bận khóc thân phận người.

Thôi em! Gượng gạo môi cười
Cho ngời ánh mắt, cho tươi má hồng
Kiếp này đã hết trông mong
Biết còn có kiếp sau không mà chờ!

Bến xưa thương nhớ ngập bờ
Đàn xưa đã lạc dây tơ phím chùng
Lời xưa còn tiếng thủy chung
Cũng đành gởi lại tận cùng thời gian.

Ngô Chí Trung
 12-7-2018

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Lận đận tìm nhau


Soi gương nhìn lại dung nhan
Hình hài hoang phế cũng tan tác rồi
Giật mình trông kỹ thân tôi
Lao đao quá nửa cuộc đời chưa yên.

Ngày em xõa tóc bay nghiêng
Dáng xưa ngày cũ cũng biền biệt xa
Tan trường bướm lượn đường hoa
Phất phơ áo trắng đôi tà về đâu?

Xin em đừng vội qua cầu
Tôi trăm năm đợi dẫu lâu lắc chờ
Chuông chùa thong thả bơ vơ
Quyện trên tháp cổ rêu mờ dấu xưa

Bởi em một lọc hai lừa
Năm tàn tháng tận tôi vừa vặn đau
Một đời lận đận tìm nhau
Bóng chim tăm cá phương nào mù khơi.



Ngô Chí Trung
  03-7-2018
(Đã in trong tập thơ HƯƠNG YÊU, nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12/2018)

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Gởi người không quen



Nhớ ai đi tới đi lui
Lẩn tha lẩn thẩn bước lùi lũi đi.

Nhớ ai chẳng thiết làm gì
Ngơ ngơ ngáo ngáo lạ kỳ làm sao!

Nhớ ai không vui chút nào
Đi lên, đi xuống, đi vào, đi ra.

Nhớ ai như nhớ… người ta
Đi qua đi lại rồi la… mỏi giò!...

Thôi thì… ngồi xuống buồn xo
Ho lên một tiếng để cho… hết buồn.


Ngô Chí Trung
  03-7-2018