Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Răng khểnh



(tặng cô bé có chiếc răng mọc lệch)




Răng khểnh à, răng khểnh ơi.
Lòng ta xao xuyến một thời hoa niên.
Cái thời áo trắng trinh nguyên.
Nhí nha nhí nhảnh hồn nhiên đến trường.
Có gì đáng để tơ vương.
Chiếc răng mọc lệch bất thường vậy thôi.

Lạ chưa! Sao dạ bồi hồi.
Cái răng lấp ló vành môi điệu đà.
Thì rằng… mặc kệ người ta.
Thắc tha thắc thỏm vào ra nỗi gì.
Tại nhớ… miệng cười mỉm chi.
Răng chênh vênh cứ trơ lì đưa ra.

Răng khểnh ơi, răng khểnh à.
Bờ môi chúm chím kiêu sa mỹ miều.
Nụ cười lấp lánh nắng chiều.
Như ai thắt sợi chỉ điều vào thơ.
Âm thầm ta dệt mối tơ.
Biết chăng có kẻ đang ngờ nghệch yêu.

Thế rồi chiều lại qua chiều.
Hè đi, thu đến hắt hiu lá vàng.
Thế rồi… tỉnh giấc mơ hoang.
Người về viễn xứ, ta tàn mộng hoa.
Tình bay theo áng mây xa.
Đành gom chút nắng chiều tà rơi rơi…


Răng khểnh à, răng khểnh ơi!
Làm ta ngơ ngẩn một thời thanh niên.
Ta đi khắp nẻo trăm miền.
Vẫn hoài nhớ nhỏ láng giềng năm xưa.
Xoay vần bao cuộc nắng mưa.
Hỏi người thuở ấy răng thừa còn không?

Ngô Chí Trung.

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Xuân tha hương



(Gởi người xa xứ)

Lắng sâu khoảnh khắc giao thừa.
Nghe thời gian tiễn năm xưa lên đường.
Xuân này biền biệt cố hương.
Hỏi nơi đất khách phố phường vui không?
Quê nhà chín nhớ mười mong.
Người phương xa có ngóng trông nẻo về?
Có thèm tắm nước sông quê?
Ướt mèm kỷ niệm ngô nghê một thời.
Dòng sông vẫn chảy đầy vơi.
Lăn tăn nhịp sóng ru lời tha hương.
Quê cha thăm thẳm mờ sương.
Nỗi niềm viễn xứ dặm trường miên man.
Gởi người một nhánh mai vàng.
Kèm theo chút nắng rộn ràng sắc xuân.
Dặn lòng thôi chớ bâng khuâng.
Bụi trần mấy lớp phong trần dày thêm.
Đường đời chân cứng đá mềm.
Nao nao nỗi nhớ từng đêm tím bầm.
Ai nơi đất khách xa xăm.
Tha phương khuất nẻo mù tăm cuối đường.
Mai vàng ấm góc trời thương.
Người xa xứ nhớ quê hương thì về.


Ngô Chí Trung
Đêm giao thừa Ất Mùi 2015.
   18-02-2015 dương lịch
(Đã in trong tập thơ Ươm Hoa, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ,tháng 4/ 2017)




Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Ông Đồ thời nay




Các báo đưa tin: mỗi năm Tết đến xuân về, "phố ông đồ" (khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) lại tấp nập cảnh người cho chữ, kẻ xin chữ.

Kết quả cuộc sát hạch đầu tiên về trình độ thư pháp của các ông Đồ tại Văn miếu-Quốc Tử giám Hà Nội vừa qua đã đặt ra một câu chuyện khá bi hài. Có người không biết cách viết chữ nho đúng phương pháp . Thậm chí có người không biết chữ nho (phải tra từ điển); hoặc có người không thuộc chữ phải lận phao, “quay cóp”…

70% các ông Đồ đã “thi trượt” trong cuộc sát hạch này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có tới 70% số ông Đồ cho chữ dịp Xuân mới ở Văn Miếu-Quốc Tử giám không đạt chuẩn. Tức là viết sai chữ, viết không đẹp, thậm chí không đủ trình độ năng lực để cho chữ trong dịp Xuân mới.

Nét chữ là nét người và việc xin chữ-cho chữ đầu năm mới cũng có thể hiểu là việc xin và nhận tri thức, xin Lộc mới và may mắn.

Chính vì thế, việc có tới 70% các ông Đồ “thi rớt” trong cuộc thi sát hạch khiến không ít người trong chúng ta phải băn khoăn. Với kết quả thi sát hạch thấp như thế, thì liệu các ông Đồ có thể cho chữ. Và liệu người dân có thể tin tưởng xin chữ-xin tri thức các ông Đồ dịp Tết đến Xuân về hay không?

Vậy xin có thơ rằng:

Ông Đồ thời nay



Ông Đồ xưa của Vũ Đình Liên (*)
Học vấn uyên thâm đạo thánh hiền.
Mỗi năm Tết đến hoa đào nở.
Bày hàng cho chữ dịp tân niên.

Nho học gặp khi đã thoái trào.
Khiến dân hoài cổ chạnh niềm đau.
Mỗi năm một vắng người thuê viết.
Giấy đỏ buồn không thắm mực tàu.

Thời nay, mỗi độ hoa đào nở.
Bỗng nhiên gặp những “cụ đồ già”.
Bày biện mực tàu, trưng giấy đỏ.
Xôn xao bán chữ cho người ta.

Người đi xin chữ vào thuê viết.
Xuýt xoa, tấm tắc ngợi khen tài.
Mấy ai để ý đâu mà biết.
Ông đồ viết đúng hay là sai.

Lần đầu sát hạch kiểm trình độ.
Phân định vàng thau, chọn thực tài.
Mười người rớt bảy. Ôi!... Cơ khổ!
Ông đồ quay cóp! Chuyện bi hài.

Đến hẹn, xuân sang đào vẫn nở.
Tội nghiệp làm sao “ông Đồ xưa”!
Từ khi lộ mặt ông,… đồ rởm.
Chẳng biết hành nghề đâu bây giờ?



Ngô Chí Trung
Nha Mân, 28 tháng chạp Giáp Ngọ (2014).

(*) Bài thơ “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên.

ảnh trên: Ông Đồ-thơ Vũ Đình Liên
ảnh dưới: Ông Đồ quay cóp

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Tình mộng




Một đêm lạc bước địa đàng.
Phạm nhầm quả cấm mơ màng bóng ai.
Lâng lâng ta giọt tình say.
Nghiêng nghiêng em dải yếm lay phập phồng
Chập chờn như có, như không.
Vẫn yêu như thể chờ mong lâu rồi.
Dẫu xót xa, dẫu ngậm ngùi
Thoáng qua thôi cũng làm vui trong đời.
Đêm Thiên Thai ta chơi vơi.
Phải đâu Lưu, Nguyễn mù khơi lối về.
Vòng tay ngây ngất đê mê.
Xua tan cơn gió lạnh tê tái lòng.
Đong đưa  hồn phách phiêu bồng.
Nụ hôn cuồng nhiệt em nồng nàn trao.
Hoa đăng là vạn vì sao.
Sương tan là giọt rượu đào thấm môi.
Còn nghe xao xuyến bồi hồi.
Giật mình tỉnh mộng, đất trời vào xuân.


Ngô Chí Trung

Những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Đất nước mùa xuân



Mẹ Âu Cơ trong mùa xuân huyền thoại
Sinh trăm con Lạc Việt họ Hồng Bàng
Khởi giềng mối các vua Hùng lập quốc
Trống đồng khua vang vọng nước Văn Lang.

Thương đất nước buổi bình minh lịch sử
Chống xâm lăng sức Phù Đổng vươn mình
Thương dân tộc trải dông cuồng lũ dữ
Núi Tản Viên sừng sững dáng Sơn Tinh

Bởi Thục Phán lầm tin lời hảo hữu
Mất nỏ thần đành trầm xác biển sâu
Cổ Loa thành ôm hờn thay đổi chủ
Bài học đời chẳng riêng với Mỵ Châu

Đã bao lần giặc đến từ hướng biển
Bạch Đằng Giang nổi sóng dựng thành đồng
Tổ quốc cũng đôi phen chồn ngựa đá (*)
Trống đồng rung khiếp vía lũ Nguyên Mông

Khi Nguyễn Trãi tiễn cha nơi ải Bắc
Đã định hình bản kế sách bình Ngô
Giúp Lê Lợi mười năm trường đuổi giặc
Giành non sông phục quốc dựng cơ đồ

Nhớ chiến thắng một mùa xuân Kỷ Dậu
Máu xâm lăng đỏ khé nước sông Hồng
Còn phảng phất bóng anh hùng Nguyễn Huệ
Trong sắc đào rực rỡ đất Thăng Long

Vâng sắc chỉ theo ông cha thuở trước
Đội hùng binh Bắc Hải đến Hoàng Sa
Cấm cột mốc giữa chập trùng sóng nước
Có Trường Sơn mong ngóng hướng Trường Sa



Xuân đại thắng non sông liền một dải
Mũi Cà Mau ngược đến Ải Nam Quan
Nhịp Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải
Sóng Hồng Hà vỗ gọi Cửu Long Giang

Các thế hệ dẫu thành người thiên cổ
Vẫn truyền đời món nợ cũ Hoàng Sa
Phải đòi lại dù sóng cuồng bão tố
Mãi trường tồn trời, đất, biển quê ta.

                Ngô Chí Trung

(*) Ý câu thơ “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” của Trần Nhân Tông.