Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

CHỈ LÀ VẬY THÔI!



Chỉ là lời nói gió bay
Hẹn thề vàng đá đã phai nhạt rồi
Thôi đừng nhắc chuyện xa xôi
Xem như chót lưỡi đầu môi ỡm ờ.

Chỉ là tàn một giấc mơ
Thoáng chiêm bao mộng tình cờ cũng tan
Đốt buồn vỡ vụn tro than
Dấu xưa còn đọng vết tàn tích đau.

Chỉ là hư ảo cho nhau
Bóng mây loáng trận mưa rào qua sân
Ngày xưa xa chẳng còn gần
Giọt ân tình cũ cũng lần lượt ngưng

Chỉ là kẻ lạ người dưng
Đường nhân gian ngác ngơ chưng hửng nhìn
Đời còn trải nắng lung linh
Hong hơ gói lại chút tình mong manh.

Một khi lá đã lìa cành
Mong chi nguồn nhựa nuôi xanh ngọn chồi.
Chỉ là cau héo trầu ôi
Chút hương tình cũ cũng vồi vội xa.

Tưởng rằng đẹp mộng hoàng hoa
Nào hay
duyên mỏng
chỉ là vậy thôi!

Ngô Chí Trung
  30-8-2019




Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

TRIẾT LÝ VỀ “ĐÀO HOA” VÀ “TRĂNG HOA”

(Truyện cực ngắn)



Tại giảng đường đại học, một nữ sinh viên nêu thắc mắc với vị giáo sư xã hội học:

- Thưa thầy, tại sao đàn ông có quan hệ với nhiều phụ nữ thì gọi là “đào hoa”, còn khi phụ nữ chỉ quan hệ với vài người đàn ông thì bị xem là “trăng hoa”, là hư hỏng?

Vị giáo sư mỉm cười, giải thích:

- Các em chú ý nghe nhé! Nói cho dễ hiểu như vầy: khi một chìa khóa mở được nhiều ổ khóa thì gọi là chìa khóa vạn năng. Còn khi một ổ khóa mà chìa nào cũng mở được thì ta phải xem lại ổ khóa đó thế nào?

Tất cả nam sinh viên đồng thanh trả lời:

- Thì ổ khóa đó coi như đã hỏng, phải đem vứt đi thôi!

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

CHẠNH LÒNG BÙI KIỆM

(Chuyện phiếm)
Trời đã tối muộn.

Mà hôm nay cảm giác trong người là lạ làm sao! Đầu óc cứ ngây ngây phiêu diêu. Có lẽ do vừa đi dự tiệc mừng tuổi bảy mươi của anh bạn thân về. Mà tôi có uống rượu nhiều đâu, chỉ dùng khoảng ba lon bia thôi. Lạ quá!

Ngoài kia trời đêm cũng khang khác, trăng thượng tuần tỏa một thứ ánh sáng lờ mờ bàng bạc như màn sương huyền hoặc.

Đầu ngõ thấp thoáng một bóng đen đang đi vào. Quái! Vị khách nào đến nhà lúc đêm hôm khuya khoắt này! Vừa dụi mắt đã thấy người lạ đứng trước cửa. Vị khách đầu đội khăn đóng, áo dài đen kiểu quốc phục truyền thống, người tầm thước, trạc tuổi trung niên. Tôi cất tiếng chào:

- Chào ông. Ông tìm ai vào giờ này?

Vị khách ôn tồn trả lời:

- Chào chú em. Xin lỗi vì sự đường đột. Ta là Bùi Kiệm, tình cờ đi qua đây, nghe tiếng chú là người từng đọc sách, ít nhiều hiểu biết lẽ đời, nên mạo muội ghé thăm. Trước là làm quen, sau xin được tỏ bày đôi điều tâm sự.

- Vậy mời vào nhà. Thì ra ông là nhân vật trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu ở thế kỷ mười chín. Nếu phân theo thứ bậc, tôi phải gọi ông là ông cố, ông sơ mới phải đạo.

- Ấy, đừng! Những nhân vật như ta thì bất biến theo thời gian. Chú cứ gọi ta là anh cho tiện trong xưng hô với nhau vậy.

- Rất hân hạnh, xin được gọi là anh Bùi . Thế thì… anh Bùi có điều chi muốn nói?

- Trước tiên, ta mượn ý mấy câu thơ của Trung niên thi sỹ Bùi Giáng – người cùng họ Bùi – để khái quát tâm sự của mình: “Ta về hai thế kỷ sau/ nhìn trăng vẫn thấy nguyên màu cổ sơ/ Ta về lòng những bơ vơ/ Tình ngay dạ thẳng, đời ngờ rằng gian”. Người đời đối xử với ta không công bằng. Oan cho ta lắm chú à!

- Chuyện của anh, Cụ Đồ Chiểu đã ghi rõ trong tác phẩm Lục Vân Tiên, giấy trắng mực đen rõ ràng đấy, mà anh Bùi kêu oan nỗi gì?

- Chú bình tĩnh nghe ta tỏ bày hai việc. Một là tài học của ta chỉ thua Vân Tiên với Tử Trực. Ta đi thi lần đầu đã đậu bằng cử nhân, mà ta đâu có chạy chọt mua điểm, mua bằng. Vậy mà thời nay, những kẻ học dốt thì bị người đời mắng nhiếc là dốt như Bùi Kiệm. Chú xem, có phải oan cho ta không?

- Nghe anh Bùi nói cũng chí phải. Còn tâm sự thứ hai của anh là gì?

- Đây chính là nỗi niềm ray rứt trong đời ta. Ta yêu Nguyệt Nga bằng tấm lòng quang minh chính trực. Ta không dâm ô, cưõng ép nàng. Nói có cụ Đồ làm chứng, khi nàng đi lạc vào vườn hoa nhà ta, cha ta là Bùi Công đã: “… mừng rước vào nhà/ Thay xiêm đổi áo nuôi mà làm con”.

Nàng chịu ơn cứu mạng của nhà ta, nhưng Bùi Kiệm ta không hề lợi dụng ưu thế đó để chiếm đoạt nàng, vẫn một mực thương yêu tôn trọng, dùng lời nói với nàng bằng " điển tích " và phân trần phải trái để chinh phục nàng một cách kiên trì bền bĩ:

-Hay chi như sãi ở chùa
Một gian cửa khép bốn mùa lạnh tanh

.........
- Sao nàng chẳng nghĩ trước sau
Cứ ôm bức tượng bấy lâu thiệt mình


Còn cha ta chỉ khuyên nhủ:

Chữ rằng xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn
Làm chi thiệt phận hồng nhan


Hai cha con ta khuyên nhủ dỗ dành chứ hoàn toàn không ép buộc, đe doạ.

Thực ra, thời điềm ấy Nguyệt Nga vơ vào vậy thôi chứ nàng với Vân Tiên chưa một lời hẹn ước thì đâu phải là vợ chồng. Còn ta thì cũng ngỡ là Vân Tiên đã chết.

Nguyệt Nga lấy chữ thuỷ chung làm đầu, và ông Nguyễn Đình Chiểu lấy khuôn phép đó để tôn vinh. Chứ nàng đâu phải dạng vừa: Được cha ta nuôi dưỡng, Bùi Kiệm ta tôn trọng, thế mà trước khi trốn còn lừa nhà ta lập đàn tế lễ Vân Tiên:
 
Tôi xin gửi lại lời này
Hãy từ chầm chậm sẽ vầy nhân duyên
Tôi xin lạy tạ Vân Tiên
Làm chay bảy bữa cho toàn thuỷ chung


Thế là hai cha con ta vốn trọng lễ nghĩa và biết điều đã vui mừng :

Cha con nghe nói mừng lòng
Dọn nhà sắm sửa đủ đồng cho xuê


và : cỗ bàn bát bửu chỉnh tề chưng ra

Nàng ta cúng chồng than khóc chồng rồi đề thơ dán tường và cao chạy xa bay. Trước khi đi nàng chỉ nói: "Thưa rằng người có công nuôi bấy chầy", nói chừng đó thôi chứ hổng cảm ơn luôn, thế mà được khen lấy khen đễ.

Còn Bùi Kiệm ta chẳng làm gì sai mà bị thiên hạ chê bai khinh bĩ :

Còn thằng Bùi Kiệm máu dê
Ngồi trơ bộ mặt như dề thịt trâu


Vậy đó, chú bình tâm soi xét lại giùm ta đi! Ta không hề " dê " một tí nào. Ta đâu phải như Hữu Linh, Khắc Thuỷ, ... đời nay. Ta cũng đâu có chạy điểm, mua bằng kiểu như ở mấy tỉnh… gì gì đó.

Thế mà miệng lưỡi người đời bị cụ Nguyễn Đình Chiểu "định hướng" đã biến danh từ chung thành tính từ " Thằng đó bùi kiệm lắm " y như “thằng đó học dốt lắm”,thằng đó dê xồm lắm".  Ôi! Đời không công bằng với ta. Bất công quá! Oan cho ta lắm!

Nói xong, Bùi Kiệm vụt đứng phắt dậy bước nhanh ra cửa không một lời từ biệt. Tôi vừa đứng lên, bất chợt có cơn gió lạnh thổi tạt vào làm tôi giật bắn người.

Thì ra, tôi vừa trải qua một giấc mơ.

Bên ngoài, trời đang chuyển mưa. Ánh trăng vẫn lờ mờ bàng bạc.

Đồng hồ đã quá mười hai giờ. Tôi xé tờ lịch, thêm một ngày mới, đã sang ngày mười hai tháng bảy âm lịch. Chỉ còn mấy ngày nữa là rằm tháng bảy – ngày xá tội vong nhân.

Trong tiếng gió đêm vi vút, văng vẳng bên tai lời nói: Bất công quá! Oan cho ta lắm! Nghe mà chạnh lòng cho anh Bùi Kiệm.

Ngô Chí Trung
  12-8-2019


P/S: trên đây chỉ là ghi lại lời nói của anh Bùi. Người viết không có ý bênh vực cho Bùi Kiệm. Nếu quý bạn có ý kiến phê bình, phản biện trên tinh thần xây dựng thì cứ nêu lên, để trên đường mơ màng mộng mị chiêm bao xuôi ngược có gặp lại anh Bùi, người viết sẽ báo cáo lại cho anh Bùi biết để rộng đường dư luận.





Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

MỪNG TUỔI BẢY MƯƠI


 (Riêng tặng anh Tư Sang)



Bảy mươi chưa phải đã già
Bảy mươi cứ ngỡ vừa qua dậy thì
Đường trần còn vững bước đi
Là còn tiếp tục hạn kỳ nhân sinh

Bảy mươi soi lại đời mình
Vui vầy con cháu thâm tình sớm hôm
Vẫn còn thích phở thèm cơm
An nhiên nhớ lúc rạ rơm phong trần.

Bà con xa, láng giềng gần
Giữ câu nhân nghĩa tình thân xóm làng
Không hơn thua, chẳng dọc ngang
Thân tâm thanh thản an nhàn thì thôi.

Bảy mươi tuổi gõ cửa rồi
Thêm ba mươi nữa đủ bồi một trăm
Vun cội PHÚC, trồng chữ TÂM
Gia đình, thân hữu mừng râm ran cười.

Rót tràn ly rượu bảy mươi
Mời nhau uống cạn chúc người trường xuân.


Ngô Chí Trung
  10-8-2019


Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

VỀ ĐÂU...



Nước trôi vể biển xuôi dòng
Biển về đâu giữa khoảng mông mênh trời
Gió về đâu thổi vợi vời
Cho muôn con sóng trùng khơi vỗ tràn.

Về đâu mây trắng lang thang
Khói sương giăng mắc chiều man mác chiều
Hoàng hôn lơ lửng cánh diều
Sông dài nước quyện đìu hiu chân cầu.

Về đâu… người cũ về đâu?
Có người trên bến giang đầu ngủ say
Nửa bờ bên ấy mưa bay
Nửa bờ nắng phía bên này hanh hao.

Mơ em về giữa chiêm bao
Tay cầm tay nhẹ bước vào phòng hoa
Chưa nâng ly rượu giao hòa
Đã nghe nhuốm vẻ phôi pha sẵn dành.

Tàn cơn mộng ảo mong manh
Thiên di mỏi cánh cũng quanh quẩn đời
Đã đành như chiếc lá rơi
Theo dòng nước cuốn xa vời vợi xa.

Kìa em! Gió lộng giang hà
Về đâu?
Bóng ngả xế tà
Về đâu…!


Ngô Chí Trung
  04-8-2019


Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

HAI BÁC NHÌN LỘN CU

Truyện ngắn vui


Trong kho tàng ca dao Việt Nam có câu:
“Trên đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.

Trước khi vào chuyện, xin nói sơ qua về cái ngu thứ ba: gác cu.
“Gác cu” tức là dùng đồ nghề - trong đó có con cu mồi, đi nhử bắt cu sống ngoài thiên nhiên hoang dã. Vì gác cu là một công việc vất vả, cực nhọc. Bản thân con cu là giống vật sống ngoài tự nhiên, ở những khu vườn cây lá um tùm, rậm rạp. Người gác cu phải nhiều phen ngồi chồm hổm canh chừng trong lùm bụi, chịu côn trùng cắn, ong chích, lại phải đề phòng rắn độc. Thú chơi tuy tao nhã nhưng dễ gặp nguy hiểm.Việc này diễn ra có khi hằng ngày, hằng tháng mà chưa gác được con cu vừa ý, nếu gác được cu dở thì cũng như không, vì cu thịt giá trị thấp, mà thường thường trong hàng trăm con cu mới tìm ra được một con cu tốt. Trước đây, gác cu được xem như trò chơi giải trí, không tăng thu nhập, vậy nên người đời coi việc gác cu là một việc ngu dại,  lãng phí thời gian mà không lợi ích gì.

Chuyện kể rằng tại một ấp nọ có hai bác ở cùng xóm là bác Ba và bác Bảy đều đã về hưu. Hai bác cùng chung sở thích là mê chơi cu. Thường ngày, hai bác tỏa nhau đi mỗi người một hướng tìm chỗ gác cu. Bắt được cu về rồi, hai bác còn phải chọn lọc, cu tốt thì huấn luyện cho nó tập gáy, trở thành cu mồi. Con cu nào đẹp mã thì nuôi làm chim cảnh. Cu quá dở thải loại làm cu thịt thì đem rô-ty. Nghề gác và nuôi chim cu không phải chỉ có lòng đam mê là được, đòi hỏi phải yêu thiên nhiên, biết kỹ thuật chăm sóc, tìm hiểu đặc tính của cu. Ðây là cả một nghệ thuật. Bác Bảy hay tâm sự là ghiền tiếng cu gáy đến nỗi xa thấy nhớ, vắng thì thương. Còn bác Ba, bên hiên nhà hay dưới những tán cây đều lỉnh kỉnh những lồng chim, cả cu mồi lẫn cu kiểng để hằng ngày bác nhin ngắm cho thỏa thích..

Như vậy, đây rõ ràng là thú chơi tao nhã lành mạnh. Các bác về hưu mà tìm đến với cây cảnh, chim kiểng, hòa mình với thiên nhiên thì vui tươi, bổ ích hơn là bài bạc, uống rượu hoặc bất cứ trò tiêu khiển vô bổ nào.

Một hôm nhân ngày đẹp trời, hai bác mang cu ra nhà văn hóa ấp chơi. Nhà văn hóa ở đầu ấp, có khuôn viên rộng, cây xanh bóng mát. Nơi đây, lúc nhàn rỗi bà con thường hay đến chơi. Người thì đọc sách, người chơi cờ tướng, thăm hỏi nhau về mùa vụ. Trẻ con thì chơi đùa, xích đu. Học sinh hay ngồi ôn bài trên những băng ghế dưới tàn cây chờ đến giờ vào lớp vì trường học phía bên kia đường đối diện với nhà văn hóa ấp.

Thấy hai bác đến, nhiều người xúm nhau lại xem cu của hai bác. Hai con cu cườm giống y chang nhau từ màu lông đến vòng cườm ở cổ. Mọi người đều khen cu của hai bác đẹp. Hứng chí lên, hai bác mở cửa chuồng cho cu ra ngoài phơi nắng.

Do được nuôi và huấn luyện kỹ nên cu của bác Ba rất dạn người. Vừa ra khỏi chuồng, nó quạt cánh như lấy thế rồi sù lông cổ cất tiếng gáy giục giã làm nổi bật vòng hạt cườm trông rất đẹp. Mà giống cu nghĩ cũng lạ, làm như tức nhau vì tiếng gáy, con cu của bác Bảy cũng cất lên tiếng cúc cu đáp lại liên hồi, tiếng gáy nhanh hơn, lớn hơn như khiêu khích và thách thức.. Trong buổi sớm mai, tiếng hai con cu gáy vang vọng khoảng không gian nhà văn hóa ấp.

Sau một lúc gáy trận với nhau, con cu của bác Ba có vẻ tức giận thực sự, nó từ từ tiến lại gần con cu của bác Bảy rút cổ giậm chân gù gù thị uy. Cu của bác Bảy cũng không vừa, nó sừng sộ gù lên như thách đố. Không dằn được cơn thịnh nộ, hai con cu xông vào cắn mổ, đá nhau.

Sợ bị xây xát rụng lông cu quý, hai bác bắt cu cho vào chuồng. Khổ nỗi, hai con cu quá giống nhau, con này to nhỉnh hơn con kia một chút tỷ như một chín một mười, mà bác nào cũng nhận là cu mình to hơn.

Hai bác cứ tiếp tục cãi vã, đã bắt đầu dùng những lời lẽ hơi nặng nề để nhiếc móc nhau. Một trong những người có mặt tại chỗ là anh Hai tổ trưởng tổ hòa giải đến khuyên can, đề nghị hai bác bình tĩnh, cố nhớ lại đặc điểm riêng của con cu mình thì bác nào cũng nói đại khái cu của mình là giống cu cườm, lông màu xám nhạt, ở cổ có điểm vòng hạt cườm… Nói tóm lại là hai bác mô tả cu của mình một cách rất mơ hồ, chung chung; không có chi tiết gì đặc biệt để nhận dạng.

Trên đời này, đàn ông thường có tính sĩ diện. Bác Ba và bác Bảy cũng vậy. Hai bác trót đã nhận cu của mình to hơn nên quyết bảo lưu ý kiến của mình cho bằng được.

Bên kia, hai con cu sừng sộ xù lông. Bên này hai bác phùng má, trợn mắt cãi nhau, không ai chịu nhường ai.

Trong đám đông người có thằng Tèo nhà cùng xóm, chứng kiến từ đầu vụ hai bác nhìn lộn cu rồi cãi nhau gay gắt, nó chạy thẳng một mạch về nhà báo cáo tình hình cho hai bác gái biết.

Được tin chồng mình vì nhìn lộn cu suýt đánh nhau, hai bà vợ vội vội vàng vàng ra ngay nhà văn hóa ấp. Sau khi nghe anh Hai tổ trưởng tổ hòa giải trình bày, hai bà bật cười thành tiếng. Bác Ba gái ra nhận cu của chồng mình trước tiên, bắt con cu nhỏ hơn bỏ vào chuồng, Bác nói:

- Cái ông Ba này thiệt tệ! Cu của mình mà nhìn không ra, cứ ở đó đòi cu to. Cu nhà tui, tui biết. Chỉ cần nhìn cu là tôi nhận ra liền. Ngày nào tui cũng cho ăn uống, vuốt ve,  tỉa tót, cái mỏ này, bộ lông này thì làm sao mà lộn được.

Cùng lúc đó, bác Bảy gái bắt con cu to nâng niu trên tay nói:

- Ông Bảy nhà tui cũng đềnh đoàng lắm! Ổng thích chơi cu, biết huấn luyện cu thì giỏi chứ còn cho ăn uống thì tui quan tâm thường xuyên hơn. Nói thiệt, cu được to, đẹp, mượt mà như vầy cũng là do một tay tui chăm sóc, chứ đểnh đoảng như ổng thì cu có mà teo tóp lấy gì để đem khoe.

Sự việc được hai bác gái giải quyết nhanh gọn, êm thấm trong vòng bảy nốt nhạc.

Hai ông trông bề ngoài tỏ ra phong cách thủ trưởng là thế chứ còn việc nhà thì đều do các quý bà xếp đặt. Việc gì hai bà đã quyết thì hai ông đều tâm phục khẩu phục.

Hai bác mang lồng cu về nhà. Anh Hai tổ trưởng tổ hòa giải khéo léo nhắc:

Hai bác phải để ý kỹ tới cu của mình. Sau này đừng để lộn cu rồi xảy ra chuyện mất đoàn kết. Vừa nãy hai bác suýt đánh nhau, nếu sự việc ồn ào, không khéo mất danh hiệu ấp văn hóa thì gay go lắm! Mà hôm nào đi gác cu, các bác cho tui đi theo với cho vui.

Bà con ở xóm có thơ rằng:
Nghề chơi cũng lắm công phu
Chơi cu không khéo lộn cu cũng phiền.


Ngô Chí Trung
   03-8-2019