Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Tiễn...

“-Con người hễ cứ yêu nhau là lấy được nhau thì thi ca và âm nhạc còn cái hồn vía gì để sáng tạo?”

(Vũ Đức Sao Biển)

Tiễn tà áo trắng sang sông
Tiếng ve nức nở, phượng hồng nhớ thương
Bóng ai hun hút cuối đường
Lẻ loi kẻ ở sân trường dõi trông.

Ngày em cất bước theo chồng
Nắng chang chang nắng, mây bồng bềnh mây
Tiễn nhau cạn chén rượu đầy
Ngày vui hai họ buồn lây một người.

Tiễn thời trai trẻ xanh tươi
Nụ tình vừa chớm cũng rười rượi xa
Đường xưa dấu cũ nhạt nhòa
Em bây giờ của người ta mất rồi!

Rượu mừng tôi rót mời tôi
Nâng ly tiễn nhớ để bồi hồi quên
Tôi đi về phía gập ghềnh
Dòng đời chìm nổi lênh đênh mịt mù.

Giật mình tỉnh giấc mộng du
Thoát cơn mê thấy áng phù vân tan
Tiễn mình cuối nẻo nhân gian
Sương pha trắng tóc ngỡ ngàng trắng tay.


Ngô Chí Trung
 26-02-2017
(Đã in trong tập thơ HƯƠNG YÊU, nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12/2018)

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Tản mạn đầu năm



Tết Đinh Dậu rồi cũng qua đi, những cảm xúc rồi cũng lắng xuống, mỗi người thêm một tuổi đời với bao ước mơ và hy vọng. Ta lại trở về với nhiều công việc bộn bề thường nhật. Trước thềm năm mới, tâm hồn rộng mở, bất chợt suy nghĩ cũng lan man. Tôi xin được chia sẻ những tản mạn đầu năm lên trang viết của nhóm.
Thưa với các bạn, đây là suy nghĩ của riêng tôi, không phải quan điểm chung của quản trị viên Bút nhóm Văn Thi Sỹ.
1.
Thời gian qua nhanh như vó câu bên cửa sổ. Ngày 10-02-2017 Bút nhóm Văn Thi Sỹ tròn ba năm thành lập. Mục đích của nhóm là tạo ra sân chơi trí tuệ và tao nhã đối với các bạn yêu thích văn thơ. Ở đây các bạn có thể chia sẻ tâm trạng buồn vui, được trải lòng mình qua những áng văn, bài thơ để giao lưu cùng nhau với tôn chỉ đàm luận văn thơ, miễn bàn chính trị. Nhiều thành viên trong nhóm có thể là những cây viết không chuyên nghiệp, cũng chưa phải là người nổi tiếng, nhưng không sao cả, các bạn hãy mạnh dạn viết và đưa bài của mình lên. Bạn bè, thành viên trong nhóm có thể góp ý, đề nghị chỉnh những từ chưa rõ nghĩa hoặc sửa câu từ cho chuẩn nhằm nâng cao giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, chỉnh sửa hay không là do người viết bài, tác giả có quyền bảo lưu ý tưởng của mình.
Có người nói: Ngày khởi đầu của năm, ta gọi là ngày Xuân của năm. Ngày khởi đầu đi làm, ta gọi là ngày Xuân của nghề.
Ai mới vào nghề mà chả bỡ ngỡ. Ta bỡ ngỡ vì công việc buổi đầu còn mới mẻ. Ta bỡ ngỡ bởi công việc chưa thành thạo như mong đợi.
Ngày đầu của năm, người ta kiêng khem đủ điều. Kiêng khem để tránh cái xui xẻo đầu năm. Kiêng khem để có nhiều cái tốt, tạo đà cho cả năm.
Ngày đầu nghề, người ta phải nắn nót đủ thứ. Nắn nót để tránh những sai sót ban đầu. Nắn nót để hòa mình vào thực tế, tạo đà cho công việc sau này.
Suy rộng ra, nghề viết cũng vậy. Thơ văn của mỗi tác giả là cảm xúc, là tâm trạng cá nhân, không bị ràng buộc bởi ý tưởng của người khác. Không ai có thể áp đặt xúc cảm của mình lên trái tim tác giả. Lúc ban đầu ta ngần ngại do chưa quen viết, sợ rằng bài viết dở quá sẽ bị đọc giả chê bai. Vượt qua cảm giác rụt rè, hãy tự tin rồi sẽ quen đi. Việc bình luận, khen chê là lẽ thường tình tùy vào sự tiếp nhận và thưởng thức của mỗi người. Thích hay không thích một tác phẩm là quyền của người đọc. Đến tác phẩm của những tác giả nổi tiếng mà còn bị bình phẩm kẻ khen người chê nữa là…
2.
Tôi thích đọc văn-thơ từ ngày còn bé. Thuở ấy, xóm tôi là vùng quê nghèo thuần nông, dân cư thưa thớt, không có nhiều phương tiện giải trí như bây giờ. Năm, bảy nhà lân cận không sắm nỗi cái radio chạy pin. Các ông, bà, cô, chú gần nhà rất thích nghe truyện tàu nhưng có người không biết đọc. Còn tôi những năm đầu tiểu học, chữ viết như cua bò, được cái là đọc sách rất lưu loát. Thế là quý cô chú ở xóm nhờ tôi mỗi chiều tối đọc cho nghe vài chương. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đọc là bộ truyện Tiết Nhơn Quý chinh đông, tiếp theo là La Thông tảo bắc, Phong thần diễn nghĩa, Phong kiếm xuân thu… Bộ môn truyện thơ thì có Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông… Hằng đêm bên ngọn đèn dầu tôi đọc khoảng trên dưới một giờ, bà con ngồi nghe một cách say sưa, nguồn truyện thì các cô chú cung cấp. Đọc đến Tây du ký thì tôi “bị” ghiền nặng. Trong đầu óc trẻ thơ, tôi chưa phân biệt được những nhân vật trong truyện là người của “bên Tàu” hay “bên ta”, mà rất ngưỡng mộ các bậc anh hùng mã thượng, những vị tiên phong đạo cốt, trừ ma diệt ác, cứu khổn phò nguy. Lên trung học, không còn đọc truyện mỗi chiều nữa vì đã đọc hết nguồn truyện tàu của các cô chú cung cấp, hơn nữa đọc bổn cũ soạn lại mãi cũng nhàm, tôi tiếp cận sang lĩnh vực kiếm hiệp của Kim Dung. Từ Cô gái đồ long, Võ lâm ngũ bá, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp… tôi mở rộng qua tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn… Ba tôi sợ con trai mê truyện lơ là việc học, nhất là sợ nhiễm tiểu thuyết ái tình làm hư người nên cấm. Vậy là từ đọc công khai tôi chuyển sang đọc lén. Có gì quan trọng đâu, ngoài công việc lặt vặt phải làm ở nhà thì tôi đem tập sách ra học bài, tuyệt đối không đi chơi. Bà con gần nhà thấy tôi ngoài đi học ở trường, khi về nhà trên tay lúc nào cũng tập với sách nên khen tôi chăm học. Chỉ có tôi biết bên dưới bìa cuốn tập là quyển truyện đang đọc dở…
3.
Về lĩnh vực thơ, tôi có đọc bài viết của tác giả Nguyễn Đình San tựa đề: “Xin đừng phụ lòng yêu thơ của công chúng” đăng trên báo Văn Nghệ Công An ngày 10-8-2016. Xin trích một đoạn: “Chưa bao giờ, thơ nở rộ như hiện nay. Ở đâu cũng có rất nhiều người làm thơ. Chỉ cần bỏ ra dăm bảy triệu đồng là ai cũng có thể in một tập thơ với vài ba chục bài của mình nếu muốn. Rồi hàng ngày, hàng tuần, trên cả trăm tờ báo được phát hành ở khắp nơi, lại có vô số thơ được đăng. Các số báo ra vào dịp kỉ niệm, lễ tết thì quả là người đọc bị... bội thực thơ. Ngoài ra, các câu lạc bộ thơ cũng mọc lên như nấm sau mưa. Hội viên thơ ở các hội văn nghệ địa phương luôn chiếm tỷ lệ đông nhất.
Có thể nói hiện nay đang có hiện tượng người người làm thơ, ngành ngành làm thơ và…ngày ngày làm thơ! Sẽ là tốt, đáng mừng nếu phần nhiều thơ đúng là thơ chứ không phải là văn vần, đem được đến cho người đọc chút hứng thú thẩm mỹ nào đó. Như vậy thì rõ là lành mạnh, cần cổ xúy, hưởng ứng, phát huy. Các cụ về hưu mà tìm đến thơ thì rõ ràng là vui tươi, bổ ích hơn là tổ tôm, xóc đĩa, uống rượu hoặc bất cứ trò tiêu khiển vô bổ nào.” (Hết trích).
Thực tế đúng là như vậy. thì cũng tốt chớ có sao đâu, vì người Việt ta có truyền thống yêu thơ rất đáng trân trọng. Bây giờ thiên hạ làm thơ tự do, chê thơ truyền thống là gò bó, là cũ kĩ. Riêng tôi, đã là thơ thì phải có vần, có âm điệu, đặc biệt tôi thích nhất là thơ lục bát. Ừ thì… cứ cho tôi là người bảo thủ, là mang tâm trạng hoài cổ… Cũng có lẽ từ thời còn nằm nôi, tôi đã thấm đẫm ca dao qua giọng ru hời của mẹ:
Ấu thơ từ thuở trong nôi
Ca dao thấm đẫm bao lời hát ru
Lục bát là mảnh ao thu
Là hàng dâm bụt, là lu tương cà
Là hàng tre trúc la đà
Là giàn thiên lý hương hoa ngạt ngào
Bước chân lẫm chẫm bên rào
Vấp câu lục bát ngã vào lời ru
(Nỗi oan lục bát, thơ của Nguyễn Thị Kim)
Thật vậy, không ai đem thơ Đường luật hay thơ tự do ru con bao giờ, và tôi thích thơ có hơi hướng cổ trang của cố thi sĩ Bùi Giáng, chẳng hạn như:
-Em về rũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
Và: -Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
(Mai sau em về)
Hoặc mang phong cách hiện đại của nhà thơ Nguyễn Duy:
Bao giờ cho tới ngày xưa
Yêu như các cụ cho vừa lòng ta
Cái thời chưa nhiễm SIDA
Yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa
Được yêu như các cụ xưa
Cũng trăng gió cũng mây mưa ào ào
Được yêu như thể ca dao
Đủ phờ phạc đất đủ lao đao trời.
(Được yêu như thể ca dao)
Những bài thơ lục bát như thế đọc lên ta có cảm giác mượt mà, ngọt lịm.
Người ta nói thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Có thể ví thơ lục bát như diễn viên xiếc đi trên dây thép. Nghiêng bên này là văn vần, nghiêng bên kia là diễn ca, hò vè. Một câu thơ lục bát là hai dòng thì mới đủ ý và nghĩa. Không như thơ Đường luật hoặc thơ tự do, một câu thơ có thể nói được hết một ý.
Thời gian sau này, có một số người sáng tác thơ theo xu hướng cách tân. Theo họ, dạng thơ truyền thống rõ ràng, dễ hiểu, du dương xưa nay không còn hợp thời nữa. Đã có những phát ngôn đó đây trên các diễn đàn văn nghệ cổ xúy cho cái gọi là thơ hiện đại, hậu hiện đại… xem nó như là mục đích cuối cùng cho sự phát triển của thơ Việt hiện nay.
“Theo tôi, điểm chung nhất mà các nhà thơ cách tân ở nước ta muốn hướng tới là một trật tự thơ mới. Trong thơ của họ thường xuất hiện những hình ảnh rời rạc, những kết hợp không thông thường, những cấu trúc lỏng lẻo, những thủ thuật cắt dán, những chồng lấn, những mập mờ…” (Thơ Việt Nam sau năm 1975, một phác thảo nhỏ, tác giả Nguyễn Hữu Quý)
Cho đến bây giờ thì thơ cách tân chưa có nhiều hậu thuẫn từ bạn đọc, đó là một thực tế. Tôi xin đưa ra một ví dụ bài thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ nữ Phan Huyền Thư:
Ngày mười
chín tháng
hai năm nhâm

tôi
được độc lập
với mẹ
bằng sợi dây
rốn
cắt đứt cơ thể
vết
sẹo làm người.
Vết sẹo
tôi
cái rốn
độc
lập Phan Huyền
...Thơ
19-2-2004
Nguồn: Sẹo độc lập, NXB Lao động, 2014
Thú thật với các bạn, nói đây là “thơ” thì tôi không thưởng thức nổi. Tôi cho rằng đây chỉ là đoạn văn xuôi, người ta tùy hứng ngắt câu xuống dòng tùy tiện, vậy thôi. Nếu như vầy mà gọi là thơ thì tôi nghĩ tất cả thành viên trong Bút nhóm Văn Thi Sỹ cũng sáng tác được cả ngàn bài. Vậy mà cũng có người khen bài thơ, và tập thơ cùng tên đã đươc Hội Nhà Văn Hà Nội trao giải thưởng. Tuy nhiên, mấy ngày sau giải thưởng bị thu hồi vì trong tập thơ có hai bài nghi đạo thơ của hai nhà thơ nổi tiếng khác. Cơ khổ! Nhà thơ nổi tiếng cũng mang tiếng đạo thơ!
Trở lại bài viết của tác giả Nguyễn Đình San (đã trích ở trên), tác giả viết tiếp: “Tôi xin phép được dẫn ra đây một số câu thơ tiêu biểu cho sự… dở được trích trong những bài thơ dở. Những dẫn chứng này là ở những bài thơ tôi đã đọc trong thời gian gần đây (trên báo chí, trong những tập thơ mới xuất bản được các tác giả tặng…). Để cho tế nhị, tôi xin được không nêu tên cụ thể tác giả và tờ báo đã đăng thơ của họ. Vì "nói phải có sách, mách có chứng" nên tôi buộc phải dẫn cụ thể. Xin được các vị tác giả lượng thứ, đại xá.
Tình trạng phổ biến nhất là văn vần hóa thơ. Những câu thơ sau đây có đầy rẫy ở mọi trang thơ trên báo, mọi tập thơ của các nhà xuất bản từng có uy tín trong lòng bạn đọc. Một tác giả mở đầu bài thơ "Trước ngục Sơn La" viết: "Xà lim/ Gông cùm/ Chứng nhân tội ác/ Tôi đến đây/ Rưng rưng nước mắt/ Trước những người chiến sỹ hy sinh…". Đó là những lời kể chuyện nôm na, bất cứ ai cũng có thể nói. Không thể gọi được là thơ.
Một tác giả khác, trong bài "Bên giấc ngủ của con" viết toàn những câu đại loại: "Con đau ốm lâu ngày/ Mệt mỏi trong người, buồn bực chân tay/ Chỉ lúc ngủ mới được thanh thản/ Giấc ngủ của con nhiều khi gián đoạn/ Bởi những cơn hoảng loạn chen vào". Cả tập thơ gần 50 bài có nhiều bài viết theo kiểu như thế, chỉ là văn xuôi. Có chút khác chăng có lẽ là ở việc gieo vần điệu ở một vài câu và viết thành nhiều dòng chứ không liền mạch như bài văn xuôi.
Ở một bài khác có tên "Em hãy đi hết con đường mình chọn", tác giả này viết: "Em hãy đi hết con đường mình đã chọn/ Đừng ngại ngùng mà tự tin lên" và: "Nếu có khi nào va chạm, vấp ngã/ Thì em ơi chớ lấy làm buồn". Hai câu trên thậm chí còn chưa gọi được là văn xuôi mà chỉ là khẩu ngữ (parlando) bởi những từ ngữ "tự tin lên", "lấy làm buồn".
Một nhà thơ tuổi đã cao, không đến nỗi quá xa lạ với bạn đọc, từng có tới trên chục tập thơ đã xuất bản mà nỡ làm những câu thơ như sau: "Hôm nay về chiến khu xưa/ Tôi vừa hồi hộp lại vừa rưng rưng/ Trong lòng rộn rã, tưng bừng/ Khi nhìn lúa chín nhiều tầng bậc thang/ Lòng càng phơi phới lạc quan/ Chiến khu xưa rất đàng hoàng hôm nay" (Về lại chiến khu xưa).
Trời ơi! Tôi không thể tin nổi. Thơ quá dễ dãi, dông dài đã đành. Lại còn viết: "Chiến khu xưa rất đàng hoàng hôm nay". Nói vậy chẳng hóa chiến khu xưa không đàng hoàng? Chỉ vì ép vần mà diễn đạt ẩu, phản tư tưởng!
Ngược lại với sự quá dễ dãi, lười lao động ở trên là sự "lập dị" trong tìm kiếm chữ nghĩa khiến câu thơ trở nên tối nghĩa, không thể tiêu hóa. Trong bài thơ của mình, một tác giả viết: "Sông Hồng mang mang/ Tình ca chiến sỹ". Vì không muốn viết "mênh mang" quá bình thường, nên tác giả đã cố ý "sáng tạo" ra từ "mang mang". Nhưng người đọc không thể chấp nhận.
Cứ đà này có lẽ mọi từ ngữ đã quen thuộc sẽ đều được tác giả sáng tạo khác đi, ví như cánh đồng ba la (thay cho bao la), con suối rách rách thay cho róc rách, con đường ngoèo ngoèo thay cho ngoằn ngoèo v.v…
Cũng tác giả này ở một bài khác có tên "Suối Hai" viết "Suối Hai nước chảy leo kheo/ In hình núi Tản, mây treo bóng rừng". Có lẽ tác giả muốn nói suối Hai nước chảy không mạnh, dòng suối không rộng, chảy không xiết, hình như nước còn lẩn khuất, không nhìn rõ. Nghĩa là có thể không nhìn thấy vì nó ẩn náu trong khe đá hoặc rừng cây. Nhưng đó là tôi suy đoán như vậy, chứ phần đông người đọc sẽ thấy cái từ "leo kheo" này thật kỳ cục.
Một nhà thơ khác trong bài thơ "Dự đám cưới người xưa" của mình có hai câu: "Em càng sang sính bao nhiêu/ Tôi càng thắt thót thật nhiều khổ đau". Chắc tác giả muốn nói bộ đồ cưới của em càng xúng xính, sang trọng bao nhiêu thì lại càng khiến tim mình quặn thắt và thót lại bấy nhiêu. Rất nhiều từ ngữ, chữ nghĩa kỳ quặc khác ở nhiều bài thơ, của nhiều tác giả mà tôi không thể dẫn tiếp. Xin lưu ý rằng những dẫn chứng trên đều của những người làm thơ đã có nghề, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có người còn là nhà thơ ít nhiều đã có tên chứ không phải của những người lạ hoắc, là quần chúng yêu thơ.” (Hết trích)
4.
Kính thưa các bạn, sở dĩ tôi trích bài viết hơi dài để thấy rằng nhiều người cầm bút chuyên nghiệp, thậm chí là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là người đã nổi tiếng, đôi khi còn bị phê bình, bị chê cho “lên bờ xuống ruộng” thì chúng ta không có lý do gì phải tự ti, mặc cảm với những bài viết của mình. Và xem đây như là một trong những nguồn để tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Xã hội là một sự chuyển động, đời vui nhờ nó luôn mới. Bước sang năm mới kính chúc các thành viên trong nhóm một nguồn sức khỏe với tâm hồn mới, nghị lực mới, có thêm nhiều tác phẩm mới, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
Ngô Chí Trung
 05-02-2017
Bài viết cho Bút nhóm Văn Thi Sỹ: https://www.facebook.com/groups/429080847225392/