Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

TÌM EM


Nghe trong tiếng võng trưa hè
Tuổi thơ trốn ngủ
Đùa khe khẽ
Cười…

Vườn sau bông bí vàng tươi
Anh tìm
Em trốn
Năm… mười… mười lăm…

Một năm là mấy đêm rằm
Một đời là mấy thăng trầm phong ba
Từ em biền biệt quê nhà
Tìm em mấy độ xuân qua tuổi mình.

Tìm em suốt cuộc hành trình
Tìm cho trọn kiếp phù sinh rạc rài
Em như ngọn gió ngàn bay
Anh là cánh nhạn lạc loài tìm nhau.

Tìm em, biết tìm phương nào!
Dáng xưa mờ mịt phai màu bóng gương
Tìm em đến phía cùng đường
Thì thôi em nhé, còn thương thì về.

Ngô Chí Trung

  30-4-2018
(Đã in trong tập thơ HƯƠNG YÊU, nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12/2018)

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Lặng lẽ nơi này


1
Lặng lẽ nơi này
Tháng ngày yên ngủ
Đường xưa cảnh cũ
Rêu phủ dấu hài
2
Em khuất dặm dài
Còn ai qua lối
Con tim sám hối
Bổi hổi lòng đau
3
Lá rủ trên cao
Thì thào gọi nhớ
Xuân nào rực rỡ
Tinh ngỡ trọn đời
4
Em lạc phương trời
Về nơi xa lạ
Bỏ đây mùa hạ
Buồn bã ve ngân
5
Mình tôi bước chân
Đường trần trắc trở
Mùa thu bỡ ngỡ
Rạn vỡ tình nồng
6
Cuối bể đầu sông
Ngóng trông vời vợi
Cô đơn bến đợi
Ai gợi xót xa
7
Áo lụa đôi tà
Phôi pha từ đó
Bóng em mờ tỏ
Lối ngõ mịt mùng
8
Phiếm lạc tơ chùng
Mông lung tri kỷ
Tình xa vạn lý
Tâm ý nhạt nhòa
9
Mây phủ la đà
Mưa sa mắt lệ
Phù du nhân thế
Dâu bể thăng trầm
10
Nắng nhạt bên sông
Hoàng hôn bảng lảng     
Ru yên ngày tháng
Lặng lẽ nơi này.


Ngô Chí Trung
  28-4-2018


Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

LẠM BÀN VỀ THƠ DỄ HIỂU VÀ THƠ KHÓ HIỂU (Tiếp theo bài PHIẾM LUẬN THÁNG TƯ)

Dân Việt ta có truyền thống yêu thích thơ ca, nên có rất nhiều người làm thơ. Có thể nói là ra ngõ gặp nhà thơ. Nhà thơ Huy Trụ đã nói khá hay:
" Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau"
(Gửi bạn làm thơ)
Để rồi chính ông cũng trăn trở, nghĩ suy, những bài thơ mình làm, những tập thơ mình đã xuất bản có phải là thơ đích thực, hay đó chỉ là thứ "nước lọc" nhạt nhẽo mà người ta vẫn thường đưa ra "mời nhau". Người làm thơ thì nhiều, hàng đống tập thơ đã được in ra, nhưng kiếm cho được loại thơ "rượu của thế gian" ấy cũng đâu có dễ!

Hồi còn học phổ thông, tuổi học trò yêu thích thơ, tập tễnh làm thơ, tôi phục và sợ các nhà thơ tên tuổi, chỉ với thể loại thơ truyền thống rõ ràng, dễ hiểu mà chuyển tải cảm xúc đến với người đọc. Ta hãy nghe Xuân Diệu:
Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Hoặc như Tú Xương: “Lúc túng toan lên bán cả trời….” hay Hàn Mặc Tử: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho…” thì quả là đáo để. Khi đã bị “thơ nhập” thì bất kể, đến trời nhà thơ cũng rao bán, làm ta liên tưởng đến câu nói: “Bán trời không mời Thiên Lôi”.
Tuy nhiên, có lẽ do thơ truyền thống rõ ràng, dễ hiểu nên dễ bị săm soi về chữ hoặc câu (về mặt ý nghĩa) thừa, không cần thiết – có khi vướng víu dòng chảy của tứ thơ. Ví dụ:
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ "dòng kênh"
…   …   …
(Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư, thơ của Đinh Thị Thu Vân)

Chữ “đành” không cần thiết. Không những thế, lại không hợp với câu thơ.
Chữ “chữ” không chính xác; phải nói “hai chữ” (hoặc “từ”) “dòng kênh” mới đúng. Nhưng tốt nhất là bỏ đi, để “dòng kênh” đứng một mình - vừa gọn, vừa hay. 

Cũng có khi vì bám sát theo vần điệu mà bị bắt bẻ là để cho chữ, nhóm chữ hoặc câu thơ cản dòng chảy của tứ thơ. Ví dụ:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng 
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều 
Mải mê đuổi một con diều 
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Chăn Trâu Đốt Lửa, thơ của Đồng Đức Bốn)

Rạ rơm ít, gió lại nhiều, đốt lửa lên mà không luôn tay chăm sóc thì chỉ một loáng là lửa tắt; đàng này lại còn lo thả diều thì củ khoai chưa chắc đã chín chứ nói gì đến cháy thành tro. Câu “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” gây khó khăn, cản trở cho việc cảm nhận ý của câu kết “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

Đó là chưa kể đến ở thể thơ lục bát, nếu dễ dãi trong cách nói bắt vần cũng bị cho là hò vè, là sến sẩm chớ không phải thơ.

Lại nữa, làm thơ theo lối cổ điển thì nếu viết thiếu chữ, viết lạc vần là bạn đọc nhận ra ngay. Ôi thì là… thơ với thẩn!

Nhưng nói đến thơ tự do, thơ cách tân thì lại khác. Thơ cách tân sáng tác theo từng đoạn, từng  nhóm chữ. Người đọc phải đọc hết đoạn, hết nhóm đó mới nắm được cái ý chính của nhà thơ muốn nói gì.

Thơ tự do, thơ cách tân cũng không câu nệ vào số câu, không phải tuân theo  niêm luật, vần điệu, muốn diễn tả ra sao thì  viết, miễn sao truyền đạt được những gì muốn nói với người đọc.

Tùy vào ý thích của mỗi người, trình độ thưởng thức, nhận định thấp cao,  tùy tâm trạng mà người đọc thấm thía, cảm thông cùng tác giả. Do đó, trong một bài thơ tự do, thơ cách tân,  nhà in sắp thiếu một hai câu hoặc lầm một hai chữ cũng ít ai nhận ra hoặc bắt bẻ phải như thế này thế nọ!!!

Và cũng bắt đầu từ đây, có một bộ phận những người làm thơ theo trường phái này đã sáng tác ra một loại thơ văn xuôi tẻ nhạt, xuống dòng cẩu thả, tùy tiện; ý tứ rối rắm khó hiểu rồi cho đó là phong cách thơ hiện đại.

Xin trích dẫn bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Quý:

THƠ KHÓ HAY LÀ SỰ HÙ DỌA NGƯỜI ĐỌC?

Trong thời gian qua, trên một số báo và tạp chí người ta đưa ra bàn luận về vấn đề thơ khó. Có vẻ như khái niệm thơ khó thường được gắn cho những bài thơ không viết theo kiểu truyền thống. Theo họ, khó hiểu là một đặc trưng của thơ cách tân và là sản phẩm tất yếu của đổi mới thi ca, không dễ tiếp cận được với đông đảo người đọc. Nói cách khác nó rất kén chọn người đọc, càng khó tìm được tri kỷ tri âm. Có tác giả còn hào hứng lý giải rằng, điều đó phản ánh đúng sự phức tạp bí ẩn của tâm hồn con người; mỗi cá thể là một vũ trụ riêng, một thế giới riêng nên thơ cũng phải như thế.
Không ai chối cãi sự đa dạng về phong cách thơ. Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu phong cách sáng tác. Hay nói chính xác hơn thì bài thơ mang dấu ấn sáng tạo riêng biệt của tác giả mà sự chọn lựa hình thức biểu hiện của họ bao giờ cũng mang tính tự do, độc lập rất cao. Tuy vậy, chúng ta không thể không thừa nhận rằng mỗi thể loại văn học đều có những đặc trưng, tiêu chí, biểu hiện chung của nó. Cũng là nghệ thuật sử dụng ngôn từ nhưng cách tổ chức tác phẩm của thơ khác văn xuôi và kịch bản sân khấu điện ảnh. Tính tổ chức của thể loại là điều có thật, dù rộng hẹp đến bao nhiêu cũng phải là nó, cao thấp thế nào cũng phải có giới hạn. Giới hạn thể loại buộc người cầm bút bay đúng quỹ đạo ngành nghệ thuật mình chọn lựa.
Thơ, trước hết hãy là thơ. Là tiếng nói của tâm hồn, là quy luật của cảm xúc (Xuân Diệu). Theo tôi, muốn làm được thơ tác giả phải hiểu thơ. Thế nào là thơ lục bát, thơ thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn…, thơ tứ tuyệt, thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ sắp đặt… rồi còn cấu tứ, thi ảnh, thi nhãn, tiết tấu, vần điệu… Quy luật, bí quyết nào để thơ có sức truyền cảm rộng rãi, sâu sắc và bền vững rồi tính đa nghĩa, biểu tượng, ẩn dụ… của nó; đó chính là những yếu tố, thủ thuật mà người sáng tạo thi ca không thể bỏ qua. Tự do, phóng túng đến bao nhiêu thì người làm thơ cũng phải tuân thủ những yếu tố đó. Đường bay của chim khác với đường bơi của cá, thổi cơm khác nấu rượu, nhịp phi của tuấn mã khác với bước chạy của trâu bò, hát khác với nói thông thường… Và, xin nhắc lại, cũ mới gì, truyền thống hay hiện đại thì thơ trước hết phải là thơ.
Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống. Tôi đã từng viết: Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới.
Xin lấy một ví dụ để chứng mình điều trên. Đó là bài Cây chuối của Nguyễn Trãi làm ra từ thế kỷ 15: Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm/ Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem.
Thơ ở đẳng cấp cao không lộ ra, không nói hết mọi điều nhưng không vì thế mà tù mù hũ nút, đánh đố người đọc. Cái bí ẩn cũng là cái mê hoặc của thi ca dẫn người đọc đi vào những mê lộ khám phá mới. Khám phá để nhận biết chiều sâu nội dung tư tưởng và tình cảm của tác phẩm cũng như vẻ đẹp của nghệ thuật. Nó gợi mở cho ta nhiều lối nẻo để kiếm tìm chứ không hề bưng bít khép kín. Nếu nói về miêu tả thì chắc không nhiều người tả cây chuối đẹp và lạ như thế. Bàn tới sự đa nghĩa thì chắc Cây chuối không thua kém thi phẩm nào. Trong tôi, hiện lên một Ức Trai đa cảm, đa tình lắm. Tự bén hơi xuân tốt lại thêm. Mối liên hệ giữa Mùa (xuân) – Cây (chuối) là mối liên hệ của tình yêu; đối chiếu vào con người ta thấy mạch yêu ấy không ngừng tuôn chảy. Cây bén hơi xuân, người bén hơi người, cả hai đều tươi tốt thêm. Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm. Tình yêu đã đến độ kết trái, tỏa hương nhưng hình như vẫn còn có điều gì đó nữa nên mới Tình thư một bức phong còn kín. Những nỗi niềm, những uẩn khúc, những mong ước chưa giãi bày thổ lộ? Những xao xác tơ non còn rưng rưng giấu kín trong lòng? Gió nơi đâu gượng mở xem. Theo tôi, đây là một mời gọi khám phá rất tinh tế và cũng rất hiện đại cách đây 6 thế kỷ rồi.
Thơ càng có nhiều tầng nghĩa càng sâu sắc, càng hay và hình như gắn với nó phải là sự tột cùng giản dị. Câu thơ Mái buồn nghe sấu rụng của Chính Hữu vừa có cảnh vật vừa có hồn người nhờ từ nghe. Tâm trạng con người được diễn đạt tinh tế và chính xác bằng một câu thơ cô đọng, không thừa không thiếu và quá gợi cảm. Phạm Tiến Duật viết: Vào rừng chẳng thấy lối ra/ Nhìn cây núc nác ngỡ là vàng tâm đầy ẩn ý đằng sau một câu thơ rất bình dị. Trần Đăng Khoa cũng thế, Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương, tính biểu tượng phát huy hiệu quả ở đây vượt xa câu Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Câu thơ từng được coi là bí ẩn của Nguyễn Xuân Sanh Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà chỉ là một kiểu viết cầu kỳ không làm tôi thích bằng Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu của Vũ Đình Liên hay Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh… của Đoàn Phú Tứ. Cái bí ẩn (tôi không muốn dùng từ khó hiểu) của thơ đâu phải là sự tù mù, rối rắm, càng không phải là để khéo léo giăng bẫy đánh đố người đọc. Những nhà thơ nổi tiếng xưa nay hình như không ai đưa thơ mình vào “chỗ khó” cả, với họ thơ phải có hồn và ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa và kín đáo như Chế Lan Viên liên tưởng: Những câu thơ lẫn khuất/Mọc góc xa của rừng; hay Lê Đạt thực ảo đan xen: Mùi mưa xưa/lòng chưa tạnh/ phố nhau đầu; hoặc lạ như Lưu Quang Vũ: Lòng như vầng trăng nhọn/ Chém giữa trời không nguôi…
Tôi không hiểu vì sao một số người lại nhân danh cách tân hiện đại thơ đi cổ súy cho kiểu viết tù mù, quái đản như trường hợp trường ca mang tên Ễn lên đêm của Lê Hưng Tiến. Ễn lên đêm là gì? Họ giải thích, đó là Em lên đỉnh. Đâu còn sự trong sáng của tiếng Việt nữa. Trời ơi là Trời, cái lối viết ngọng lô ngọng líu này mà là thơ ư? Là hiện đại thơ, đổi mới thơ, cách tân thơ, cách mạng thơ ư? (Nguồn http://lehungtien.vnweblogs.com/a36164/en-len-dem.html).
 Rồi, có kẻ tung hô ngợi ca kiểu viết: Những ngọn thác câm lặng đang đổ xuống rất mạnh/ những đế giày chuẩn bị vỡ tung/ chân tường mở cánh cửa thoát hiểm/ bụi mưa phùn hay châu chấu bay qua/ cả ngôi nhà lao đi chóng mặt/ sửng sốt, rã rời khi gặp bình minh của MVP hay: Bước chân trượt trên đá sỏi/ Xuống sườn dốc lòng hồ/ Nơi ấy nước nằm lõa lồ trên đất/ Thèm được biến tan/ Đồi nhả ra những viên đá rắn cứng/ Và làm đau những đầu lưỡi sóng của ĐDP…
Xin đừng hù dọa người đọc những kiểu viết như vậy nữa. Tôi tin rất nhiều bạn đọc thời nay đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là đổi mới thật đâu là đổi mới giả. Cũng đừng lấy cái khó của thơ để cột buộc những người không đồng tình hay phản đối lại kiểu viết ấy là cổ hủ lạc hậu, không biết đọc thơ hoặc bởi định kiến. Không ai có định kiến với thơ hay cả.
Tôi nhớ Nam Cao viết trong “Đời thừa”: Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có... Những cái gì chưa có là giá trị đích thực của văn chương nói chung và thi ca nói riêng chứ không phải là sự vẽ bày tạo ra Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối (Thơ cầm tay) như Chế Lan Viên tâm sự. Đừng trở thành những người làm thơ… đã không trả còn vay, còn ăn quỵt. Họ có mười mà tên tuổi đến mười mươi (Chế Lan Viên).
Cuộc tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản đơn tột cùng của một hòa âm, R.Tagore nói thế.
Hòa âm của thi ca có được trước hết nhờ sự bình dị, thẳng ngay của tâm hồn người cầm bút.
Nguyễn Hữu Quý
(Hết trích)
Sau cùng, trở lại vụ ông Phan Hoàng – Hội phó Hội Nhà Văn TP.HCM . Trong việc ai đó chuyển câu nói của ông: “Thơ dở là thơ rác” suy diễn thành “Thơ FB toàn là rác rưởi”, lại còn chế thơ nịnh vợ của ông ấy thành thơ “luyện lưỡi liếm hàu” là việc làm có thể nói là không đàng hoàng, dễ gây oan sai cho người khác.
Thơ là tiếng lòng của mỗi cá nhân, ông ấy không thích thì đừng đọc. Thật sự, tôi cũng đã từng đọc thơ ông ấy, tôi thấy cũng chẳng có chi để khen. Thế nhưng, tôi vẫn không cho thơ ông ấy là rác dù nó chẳng có chút gì gọi là thơ, thế là tôi không thích đọc thơ của ông ấy nữa. Tôi vẫn tôn trọng thơ ông bởi đó là bản chất, là suy nghĩ của ông, của riêng ông ấy, nói lên con người của ông ấy
Đôi khi người ta yêu bài thơ, thích câu thơ và trân trọng chép bài thơ, câu thơ ấy vào sổ tay rồi ghi rõ tên tác giả, nguồn gốc xuất xứ vì họ rung động, đồng cảm, họ cảm xúc với câu chữ, hình ảnh trong thơ. Cảm xúc rất riêng đó là sự tương giao giữa người làm thơ và người đọc thơ. Mỗi người có một tư duy độc lập, thích hay không thích đọc thơ của tác giả nào, viết theo thể loại nào là quyền và ý thích của mọi người, không ai có thể áp đặt ý thích, cách nghĩ của mình lên người khác. Đó cũng là suy nghĩ để tôi viết loạt bài này, và tôi xin khép lại vụ ông Phan Hoàng tại đây.

Với riêng tôi thì:
“Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”

…   …   …

Người ta làm thơ: cách tân,
tự do, hiện đại…; lời gần ý xa.
Thơ tôi mộc mạc thiệt thà
Gieo câu sáu tám rất là… chân quê!
Hồn nhiên sớm tối đi về
Mặc ai rẻ rúng, khen chê dập vùi
Chân thành câu lục buồn vui
Thẳng ngay câu bát ngậm ngùi đa đoan.
Tôi – người ở trọ trần gian
Cứ rong chơi, cứ ngang tàng cùng thơ.
Tôi là một kẻ lơ ngơ
Vịn câu lục bát theo bờ mà đi.
Biết tôi vốn chẳng là gì
Cứ làm thơ giữa thị phi cuộc đời.
Lục bát là lục bát ơi…!


Ngô Chí Trung






Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

NGHE TIẾNG RU CHIỀU


“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”
                   (Lời hát ru).

Tôi qua ngang chiều tĩnh lặng
Nghe em hát ru lời tình
Giọng buồn ơi à… sâu lắng
Ru con hay tự ru mình.

Tủi hờn vàng phai đá nát
“Gió đưa bụi chuối sau hè…”
Chút gì ngậm ngùi man mác
Đường chiều xào xạc hàng tre.

Em ru một thuở xa mù
Mắt huyền cong hàng mi rợp
Long lanh như nước hồ thu
Đắm đuối hồn ai choáng ngợp.

Em ru một thời chim sáo
Ầu ơ… một sớm sang sông
Đâu biết ngoài kia dông bão
Ngỡ như chim được sổ lồng.

Em ru một đời thiếu nữ
“Bướm vàng đậu nhánh mù u…”
Trách người vui miền viễn xứ
Để buồn trĩu nặng lời ru.

Lòng như bến ga quạnh quẽ
Lời ru xa xót trong chiều
Bàn tay sờ vào kỷ niệm
Chạm phải tơ sầu liêu xiêu.

Em ơi! Trời cao đất rộng
Đường xa thăm thẳm dặm dài
Hãy gieo niềm tin hy vọng
Ngẩng đầu đón nắng ban mai. 


Ngô Chí Trung

  21-4-2018

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

PHIẾM LUẬN THÁNG TƯ



Vừa qua, trên cộng đồng mạng ồn ào vụ ông Phan Hoàng – Phó chủ tịch Hội nhà văn TP. HCM cho rằng thơ trên facebook là thơ rác. Tôi chẳng quan tâm tới điều này nên không đưa lên trang facebook cá nhân. Bởi lẽ trong giây phút bốc đồng lộng ngôn, ông đã chuốc lấy vạ miệng và đã bị cộng đồng mạng tơi bời ném đá.

Trong lĩnh vực văn thơ, không có khái niệm văn rác, thơ rác  mà chỉ có văn thơ thích đọc hoặc không thích đọc. Mỗi người đều có ý thích riêng. Không ai có thể áp đặt ý thích của mình lên người khác, bắt buộc người ta phải có sở thích giống y như mình và ngược lại. Riêng tôi, tôi thích thể thơ truyền thống, thơ mới, đặc biệt là thơ lục bát. Tôi cho rằng đã là thơ thì phải khác văn xuôi, thơ phải có vần, có âm điệu. Tôi cũng từng đọc thể loại thơ mà người ta cho là thơ cách tân, thơ hiện đại, hậu hiện đại, thơ siêu thực… gì gì đó, tôi thấy hầu hết giống như văn xuôi rồi ngắt câu xuống dòng tùy tiện và cho đó là thơ, thậm chí còn được giải thưởng này nọ. Nói thật, tôi không đủ trình độ để cảm thụ loại thơ này nên không thích đọc. Mà đã không thích đọc thì không thèm đọc làm gì cho mất thời gian chứ tôi không gọi kiểu cái gọi là thơ như ông Phan Hoàng làm là…  thơ rác.

Tôi từng đọc hai tập văn xuôi tẻ nhạt năng xuống dòng một cách dễ dãi được gọi là “tập thơ” đạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Đó là “Hoan ca” của tác giả Đỗ Doãn Phương và “Bầu trời không mái che” của tác giả Mai Văn Phấn. Vì không đủ trình độ để bình luận (mà cũng không dám bình luận) nên xin trích dẫn bài viết sau đây của nhà thơ Trần Mạnh Hảo để các bạn cùng tham khảo và nhận xét:

Hội Nhà văn Việt Nam tiễn thi ca lên đoạn đầu dài
(Nhân đọc hai tập thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010- 2011) 

Trần Mạnh Hảo

Chúng tôi sẽ không bàn đến hai tác giả trên và hai tập thơ trên, nếu nó không nhận được sự tôn vinh của Hội Nhà văn Việt Nam cho hai tập thơ được cho là hay nhất năm 2010 - 2011 .

Chúng tôi cũng xin nói qua về vụ cách tân thơ. Thơ là nghệ thuật của mọi người. Họ chơi thơ để tỏ bày tâm sự, để giải thoát tinh thần, bất kể hay dở. Trong đỉnh cao của nghề nghiệp, thơ nói cho cùng là nghệ thuật của những người có tài; kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không thể có thơ hay. Trong cuộc chơi thơ của muôn người, bất tài không phải là cái tội. Tội lớn nhất là đánh tráo sự bất tài thành thiên tài trong các bài phê bình kiểu “lợi ích nhóm” để lừa lớp trẻ.

Thơ là nghệ thuật của cái đẹp.Thơ sinh ra không phải để dễ hiểu hay khó hiểu mà để truyền cảm, làm xúc động lòng người. Có nhiều người đang được dư luận (dỏm) tôn vinh là lá cờ đầu lá cờ cuối cách tân thơ đưa ra tiêu chí : dùng cái hiểu thưởng thức thơ là giết thơ. Họ phán : trường phái cách tân thơ hiện đại của chúng tôi dùng vô thức để làm thơ, thì người thưởng ngoạn hay nhà phê bình cũng cần dùng vô thức để tiếp nhận thơ.

Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” ( NXB Văn hóa Thông tin 1999 trang 1827) định nghĩa: “vô thức : ngoài ý thức của con người, trạng thái vô thức, hành động vô thức” .Nếu không có sự hiểu, hiểu biết, nhận biết, tức ý thức thì không còn là con người nữa, vì con người là con vật tự ý thức. Họ phán, chúng tôi làm thơ bằng vô thức, các ông lại lấy ý thức ra để phê bình thơ chúng tôi theo kiểu ông nói gà bà nói thóc lép là đánh tráo khái niệm?!

Thưa các quý ngài CÁCH TÂN THƠ đang làm kinh hãi thi đàn, hóa ra quý vị làm thơ trong giấc ngủ ư ? Nhưng sau khi quý vị thức dậy, không phải vô thức mà chính ý thức mách bảo với quý vị nhớ lại bài thơ quý vị viết trong giấc ngủ. Nhớ lại bài thơ viết trong lúc ngủ chính là một hành vi ý thức đấy. Rồi quý vị cầm lấy bút, viết lên giấy cái bài thơ được sinh ra bằng giấc mơ (khiếp thật) thì quả là các vị đã nằm trong vòm sinh quyển của ý thức mất rồi. Nói tôi làm thơ bằng vô thức chung quy là một cách nói bịp bợm.

Đến đây thầy trò trường phái cách tân thơ vô thức kia bèn phán : chúng tôi mần thơ bằng cái vô thức của bác sĩ phân tâm học người Áo S.Freud cơ, không phải món vô thức theo định nghĩa thông thường của từ điển (!) Đến đây thì rắc rối to rồi. Hãy nghe qua định nghĩa phân tâm học theo từ điển :“Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”: “Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Phân tâm học chuyên sâu nghiên cứu về con người. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (E: id;F:Le Ca; G:das Es), cái tôi (E: Ego;F:Le Moi; G:das Ich) và cái siêu tôi (E:Super ego;F: Le Surmoi; G:das Über-Ich). Trong đó nói rõ con nguời luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó”

Vậy, khi làm thơ, qúy vị cách tân thơ cực đoan kia dùng món CÁI ẤY (id) hay CÁI TÔI ( Ego) hay CÁI SIÊU TÔI ( Super ego) để sáng tác thơ đây ? Vướng vào thiên la địa võng này của S.Freud,  quý vị sẽ phải trút hết linh hồn vào khoa học phân tích tâm lý con người, còn hồn vía đâu cho thi ca cất cánh ? Mà ngay như S.Freud cũng phải dùng khoa học phân tích tâm lý, tức là dùng ý thức để phát hiện ra khái niệm vô thức này. Đằng nào thì qúy vị cũng không thoát khỏi được vòng kim cô ý thức trong sáng tạo thi ca, nên đừng đưa vô thức với vô chiêu, vô lối, vô ngôn, vô nghĩa ra để dọa người yếu bóng vía khi đọc thơ các vị.

Nói tóm lại, cách tân thơ là một việc làm chân chính, cần có, vốn có. Nhưng cách tân sao thì cách, xin đừng cách …cái mạng thi ca. Nghĩa là, cách tân thơ không phải mục đích cuối cùng của thơ. Mục đích của thi ca là truyền cảm, làm rung động lòng người. Muốn vậy thì thơ trước hết và sau cùng phải hay !

Bạn ơi, bạn cứ làm cho thơ hay, chính là bạn đã cách tân thơ thành công rồi đó. Còn bạn cách tân thơ theo kiểu ú ớ, ngô nghê, phi…ngữ nghĩa, phi…xúc cảm, phi… lý tính thì xin lỗi bạn chỉ sản xuất ra một trời thơ dở. Mà thơ đã dở thì có đeo một trăm cái mặt nạ cách tân cũng không cứu nổi thơ ca.

Hãy thử lấy Thơ Mới 1930-1945 xét xem những nhà thơ hàng đầu thưở ấy lấy cách tân làm mục đích hay lấy thơ hay làm mục đích? Một nhà thơ được cho là Tây nhất thời đó là Xuân Diệu, tức cách tân hàng đầu, thì bài thơ hay nhất của ông là bài “Nguyệt cầm” lại viết theo thể thơ bảy chữ đã cũ. Hàn Mạc Tử, nhà cách tân thơ hàng đầu cũng trưng ra bài thơ hay nhất là bài “ Đây thôn Vĩ Dạ” cũng là bài thơ làm theo hơi thơ thất ngôn mà các tiển bối từng làm. Thâm Tâm viết được bài “ Tống biệt hành” được cho là hay nhất thơ tiền chiến lại cũng dùng hình thức rất cũ của thể hành xưa. Huy Cận, Nguyễn Bính…hai nhà thơ hàng đầu của Thơ Mới lại đóng góp bằng hàng chục bài thơ hay hàng kiệt tác chỉ bằng thể thơ thất ngôn cũ và lục bát rất cũ.

Trong thời 1930- 1945, nhóm Xuân Thu nhã tập, nhóm Dạ Đài tuy có những đóng góp cho thơ không thể phủ nhận, nhưng thể thơ không vần của họ mới chỉ là thí nghiệm chưa thành công vì nó chưa hay. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi mê cuồng thí nghiệm thơ không vần xuýt bị đi tù. Ông bị các nhà thơ đỏ tươi như Tố Hữu, hay vừa được đỏ hóa như Lưu Trọng Lư dùng lời của Platon xưa để toan đuổi Nguyễn Đình Thi ra khỏi nền thơ kháng chiến vì dám cả gan làm một thứ thơ rất phản động là thơ không vần. Tuy nhiên những bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi chỉ mới ở dạng cách tân, dạng thể nghiệm vì nó chưa hay. Mà chưa thành công thì chưa cắm được ngọn cờ đổi mới thơ.

Người cắm được ngọn cờ cách tân thơ sau sự cách tân của Thơ Mới là nhà thơ Văn Cao (nhạc sĩ) , với hai bài thơ kiệt xuất : Ngoại ô mùa đông 1946 và trường ca Những người trên cửa biển viết vào mùa xuân 1956. Cùng thời với Văn Cao, Trần Mai Ninh với hai bài thơ khá hay là bài “ Tình sông núi” và bài “ Nhớ máu” đã cùng Văn Cao xác lập cuộc cách tân thơ ngoạn mục.

Quả thực, làm thơ tự do không vần rất khó hay. Tuy nhiên có nhiều nhà thơ sau Văn Cao, Trần Mai Ninh đã có những bài thơ không vần rất hay như “Tiếng chuông Thiên Mụ” của Nhã Ca, “Bài thơ của một người yêu nườc mình” của Trần Vàng Sao, một số đoạn thơ khá hay rải rác trong thơ Thanh Tâm Tuyền, “ Đêm trên Cát” của Thanh Thảo. Xín quý vị đọc bài thơ tự do không vần rất hay của Lò Ngân Sủn :

NGƯỜI ĐẸP
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát
Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói
Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết
Gặp người đẹp 
                       lại không muốn chết nữa 
                                  
                                                Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người.


Bài thơ “Người đẹp” của Lò Ngân Sủn đã in trên báo từ gần ba mươi năm . Đây là một bài thơ cách tân hơn mọi cách tân; đây là một bài thơ tình, theo chúng tôi là hay vào hàng bậc nhất của thơ tình trong và ngoài nước. Nhà thơ đã viết bài thơ không vần này bằng tài năng đích thực của mình. Bài thơ hiện đại, cực hay vì nó có tứ lớn, giản dị, câu hay, rất mới lạ. Cách đây gần ba mươi năm, sau khi chúng tôi (TMH) phát hiện ra bài thơ này tham gia cuộc thi thơ của báo “ Văn nghệ TP.HCM” nhưng không được giải, bèn viết bài bình thơ, ca ngợi bài thơ hay như một kiệt tác. Theo anh Lò Ngân Sủn cho biết, bài thơ đã in trên mấy tờ báo ở Hà Nội nhưng không ai để ý; chỉ khi xuất hiện bài bình bài thơ này, thì “Người đẹp” của Lò Ngân Sủng mới được mọi người ca ngợi.

Trong ba chục năm viết phê bình văn học, chúng tôi luôn luôn ủng hộ nhiệt thành những thành tựu cách tân thơ của lớp trẻ; ví như hiện tượng cách tân thơ rất thành công của thi sĩ trẻ bạc mệnh Lãng Thanh. Năm ngoái 2011, nhân ngày giỗ lần thứ chín của Lãng Thanh, một người bạn của anh trong nhóm “Chí Tâm” đã tung lên mạng bài viết của chúng tôi: “Lãng Thanh : gương mặt em phi như điên cuồng” từ năm 2003 ca ngợi một thi tài đổi mới thi ca rất thành công.

Còn đây là thơ của của Đỗ Doãn Phương, người vừa được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng thơ năm 2011 cho tập «  Hoan ca-NXB hỘI NHÀ VĂN 2011), bài thơ đầu tiên của tập :

GIÁC NGỘ

Trong đêm, giữa giấc ngủ sâu, lóe sáng
Một ý phát xuất
Kim đồng hồ chết giấc
Ta thấy rạng sáng cả căn nhà
Rạng sáng toàn thân
Từ đỉnh tóc tới móng chân thông suốt
Ta ngồi dậy trang nghiêm nhìn
Đứa bé đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy
Ta điểm lại các việc như trước chuyến đi 
cuối cùng

Và chờ khoảnh khắc
Sang một con người khác!»


Bài này không phải là thơ vì nó không có cảm xúc, không có sự hàm súc, dư ba, thiếu sự truyền cảm, chỉ là những câu văn xuôi thông thường lạnh lùng nói toẹt ra theo ngôn ngữ giao tế thông thường. Có vẻ như câu cuối cùng là thơ chăng: «Và chờ một khoảng khắc ? sang một con người khác » ?

Câu này chỉ là câu lặp lại của muôn người khác. Đức Phật đã phán: «dòng nước sông Hằng phút trước và phút sau đã khác nhau. Ta của ngày hôm qua đã khác với ta của ngày hôm nay ». Chế Lan Viên viết theo ý này, vẫn có câu thơ rất hay về phút giao thừa: «Mùi hương năm cũ/ Giọt sương năm mới/ Còn nằm chung hoa». Xuân Diệu cũng lấy ý tứ này của Phật vẫn viết ra câu thơ thật hay: «Cái bay đang đuổi cái trôi/ Từ tôi phút ấy sang tôi phút này»...

Viết ra một thứ phi thơ kiểu Đỗ Doãn Phương, kẻ mọn là người viết bài này có thể ngồi ngoáy một ngày cả trăm bài. Mô phỏng thơ Đỗ Doãn Phương, chúng tôi ( TMH) xin ngoáy ra thử một bài gọi là trường thơ được giải, trực tiếp trên máy vi tính:

« CÕI LẶNG
Giữa ngày, trong thức ban ngày, lặng im
Một giấc mơ xuất hiện
Ban ngày phi thời gian

Ta thấy im lặng trùm vũ trụ
Im lặng cả lục phủ ngũ tạng
Từ mắt tới móng chân út đều im im
Ta đi lại run run lắng nghe
Con kiến xinh tươi và con thằn lằn cũng rứa
Ta hồi tưởng lại sự im lặng đời mình
Trước hết

Và ta chờ đợi tiếng động của bọn xe cộ
Dể sang một sự im lặng khác»


Cả tập «  Hoan ca » được mạo nhận là thơ của Đỗ Doãn Phương đều được viết với sự dễ dãi, giả ngô giả ngọng, ú ớ, phi hàm xúc, phi thơ, phi cấu tứ, toàn những câu văn xuôi lạnh lùng không biểu cảm như vậy. Chúng tôi xin trích một nửa bài «Bóng hình» trang 76 của tập thơ này để quý vị xem nó có phải là thơ không:

BÓNG HÌNH

Sực ngoảnh lại đã chín năm
Mà thời gian còn trôi nữa

Đã đi lên núi cao
Đã đi ra biển lớn
Lên gác chuông vắng vẻ nhà chùa
Chìm vào ồn ào cửa chợ

Đã qua những ngày cùng tháng tận
Cuối năm âm đầu năm dương
Tháng thừa thiếu bù nhau, ngày đông hạ đổi chỗ
Mà nhìn đâu cũng ứa nước mắt
Thấy hình bóng đi theo

Nhìn phía trước là mười năm
Mà thời gian còn trôi nữa »


Phỏng theo thể thơ phi thơ này, chúng tôi xin ngoáy ngay một bài theo phong cách văn xuôi dễ dãi phi hình tượng, phi hàm xúc, tẻ nhạt, ấm ớ  Đỗ Doãn Phương :

TÂM THÂN
Ngoảnh lại hai ba năm qua

Thấy tâm mình còn đi theo thân mình

Ta đã đi qua nhà ai
Ta đã bước qua nhà con kiến
Ta lên tới tận tóc của núi
Chìm vào mi mắt thời gian

Ta đã qua đời con chim trú đông
Tháng này là tháng hai, không phải tháng năm
Ngày có mưa, ngày có nắng, đêm đi qua ngày tới liền
Nhìn đâu ta cũng thấy buồn dâng
Nhìn mãi phía trước không thấy tâm ta
Mà xác ta còn ngồi đây mần thơ ca hò vè sớm tối...


Hầu hết các bài được mạo nhận là thơ trong «Hoan ca» được viết với phong cách bông phèng phi thơ như thế.

Còn đây là thơ của Mai Văn Phấn trích trong tập thơ «Bầu trời không mái che» (NXB Hội nhà văn 2010) ; xin trích một đoạn đầu trong bài siêu dài của nhà thơ được giải thưởng Hội nhà văn VN  :

CỬA MẪU 

(trích từ bài thơ dài )

Mẫu nâng niu con ánh trăng
Tiếng chuyền cành tiếng hú
Da thịt con yêu trải sâu đêm tối
Dựng tầng mây mưa nguồn

Cành cây la đà mặt nước
Một con chim vừa đậu

Chỉ mình con thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường
Xa mảnh vườn những đàn chim khác
Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hương bầu trời mở đôi cánh
Ngọn cây vườn mỏ con chim
Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió
Tiếng hạt vỡ trong ngực
Bãi trống và quả xanh
Qua rừng sâu tán lá rậm rạp
....


Có trích cả nghìn câu văn xuôi tẻ nhạt xuống dòng liên tù tì này mạo nhận là thơ của tập thơ được giải thưởng của Mai Văn Phấn, cũng tịnh không tìm thấy một câu thơ hay đích thực. Chúng tôi, với tài hèn sức mọn, xin lỗi, nếu cần phải ngoáy nhanh hơn chuột chạy, trong một ngày, chúng tôi có thể ngoáy tới cả chục  tập thơ được giải na ná chất lượng như «  Bầu trời không mái che » này. Xin ứng tác luôn trên máy vi tính để thi thố «  tài năng » với Mai Văn Phấn bằng một thi pháp bông phèng của ông Phấn, như sau:


KHÉP LẠI 
Em khép lại, khép lại thời cuộc
Cá nhảy trên guốc dép
Môi mắt em muộn phiền con rắn mối
Sông đùn lên tình anh xanh xanh

Con mèo hoang bay lên từ buồn buồn
Bướm đậu lên râu cá trê phi
Khép lại, khép lại mặt trời sám  hối cũ
Ai đang mở ra mà ta khép lại ha ha
Có thiên lôi tình ái im phắc
Màu xanh đi trên đất chan chứa
Mở ra sự khép lại trinh nguyên...

(Hết thơ bắt chước Mai Văn Phấn)

Xin quý vị đọc tiếp đoạn cuối trường ca «NHỊP IX » của tập thơ Mai Văn Phấn viết rất kinh hãi như sau :

Những con sơn dương tràn xuống đồng bằng
Phía sau bụi tung, đá lở
Lao vun vút mũi tên
Dây cung bật lên phút chốc

Đây trời cỏ
Đại dương cỏ
Phơi phới lời sông hồ

Mũi tên xuôi gió về đích
Từng vạt cỏ bị bứt tỉa, đốn gục
Nghiền nát trong hàm răng sắc

Bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái cảm đêm đen
Bước bước sơn dương

Mặt cỏ phun nhuệ khí trùm lấp
Phấn khích giờ tạo thiên lập địa
Mùa mới đợi chờ cỏ xanh cắt sát gốc

Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng
Cỏ non kinh động
Càng chồi lên mở lại những chân trời »

( hết trích «thơ» Mai Văn Phấn)

Còn đây là «thơ» ứng tác viết liền của tác giả bài phê bình thơ này, mô phỏng thi pháp bông phèng Mai Văn Phấn:

MŨI TÊN EROS

Hắn chút chút rình rập vũ trụ
Hắn bắn ai là tình yêu tử thương
Mũi tên hắn ghê gớm hơn bom A bom H Bắc Triều Tiên
Hắn làm anh và em gục ngã ư ử
Ta rên xiết trong cơn động tình giãy chết

Em ơi em ơi đi đường nào cũng tiêu
Đi xuống địa ngục cũng gặp anh
Chết rồi hắn vẫn tìm hồn ta bắn tên
Chạy đi chạy đi như loài sơn dương trong thơ Mai Văn Phấn
Hắn be bé mà bay nhanh hơn tên lửa Tô-Ma-hốc
Nhưng không có hắn
Thế giới này buồn như con chuồn chuồn
Chúng ta hoan ca, tình ca, quỷ ca vì có hắn
Không ai rên xiết vì hạnh phúc
Nếu thế giới này thiếu hắn
Hắn là cỏ non, lúa mạch hay rượu nho ?
Không
Hắn là em và anh vừa hóa thân vào con rắn
Hắn là thần tình yêu, thấn chiến tranh của đôi lứa
Eros, em ơi, em ơi »

(hết thơ mô phỏng bút pháp tào lao của Mai Văn Phấn)

Nếu chê hai tập «Hoan ca» của Đỗ Doãn Phương và «Bầu trời không mái che» của Mai Văn Phấn vừa đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà văn VN  là hai tập thơ dở thì lời chê ấy lại hóa ra lời khen chúng. Vì hai tập văn xuôi tẻ nhạt năng xuống dòng, dễ dãi, tào lao, bông phèng kia có phải là thơ đâu...mà bảo nó là thơ dở ?

Cùng với hai tập thơ rất kém được vinh danh giải thường văn học Hồ Chí Minh 2012 vừa rồi, «Hoan ca» và «Bầu trời không mái che» phải chăng chính là dấu hiệu của công cuộc đẩy thi ca hiện đại Việt Nam lên đoạn đầu đài của Hội Nhà Văn Việt Nam?

Sài Gòn ngày 04-6-2012
T.M.H
(Hết trích)


Một thi hữu đã nói: “Bây giờ người ta chuộng thơ lập dị và kết nạp những tác giả lập dị vào Hội nhà văn. Còn thơ như chúng ta làm lâu nay bị cho là thơ mặt bằng , thơ dễ hiểu, thơ Hai Lúa, thơ rẻ tiền vv ...Thơ càng khó hiểu càng được cho là thơ hay !”. Vâng, đúng là bây giờ trên báo chí, trên các kệ sách trưng bày có những tập thơ trong đó có những bài thơ lập dị, khó hiểu mà tôi không thích đọc. Nhưng bài viết đến đây quá dài, xin trở lại đề tài thơ khó hiểu vào bài sau vậy…

Ngô Chí Trung


Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Qua miền cổ tích

Em say ngủ giữa miền hoang
Trên tầng cổ tích chờ hoàng tử qua
Ta là cơn gió la đà
Bồng bềnh sương khói mù sa cuối trời.

Gió còn tha thẩn rong chơi
Chợt nghe hoa cỏ hát lời yêu thương
Bướm ong vũ khúc nghê thường
Em hư ảo giữa màn sương mịt mờ.

Ta không hoàng tử trong mơ
Chỉ là một kẻ khù khờ về ngang…
vườn hương qua lối địa đàng
Em chơm chớp mắt ta bàng hoàng tâm.

Hình như tiền kiếp trăm năm
Người trong cõi nhớ lăn trầm vào đêm
Muốn hôn ngại chạm môi mềm
Muốn ôm lại sợ đau thêm một lần.

Ngày em vướng sợi tơ trần
Cõi nhân gian chịu dấn thân ngọc ngà
Em từ cổ tích bước ra
Ta trơ cổ độ bóng tà huy xưa. (*)


Ngô Chí Trung
  09-4-2018
(*)- cổ độ: (từ cũ) bến đò xưa.
    - tà huy: ánh mặt trời buổi chiều;

nghĩa rộng: đời người lúc tuổi già.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Lối cỏ bạc đầu


Ngày em đi tháng tư lộng gió
Trời trong xanh hạ nắng miên man
Ve nức nở dưới vòm phượng đỏ
Rưng rưng theo áo hạ em vàng.

Ngày em đi lối xưa gập ghềnh
Tóc mây bay lung liêng bồng bềnh
Buổi đầu đời tim tôi biết xót
Vỡ trong hồn khoảng trống mông mênh.

Em đi rồi đường hun hút bóng
Chiều tháng tư mờ khói đốt đồng
Thương cánh cò lẻ loi tìm bạn
Hoa lục bình nở tím triền sông.

Lối xưa em không đi đã lâu
Dấu rêu phong cỏ cũng bạc đẩu
Cánh phượng nào rơi chiều tĩnh lặng
Đường vẫn đây, em bước về đâu?

Tôi ngùi trông cuộc tình ảo vọng
Chuyển mùa chưa, gió chướng giao nồm
Tháng tư về đất trời lồng lộng
Tôi và em - sao Mai, sao Hôm.

Còn không em chút tình sót lại
Vương trên cành phượng vĩ đong đưa
Miền kỷ niệm một thời xa ngái
Thẳm sâu trong tiềm thức nắng mưa.


Nắng hạ vàng cay màu mắt đợi
Vắng bước em lối cũ lặng buồn
Trời tháng tư cao xanh vời vợi
Cỏ bạc đầu úa vạt chiều buông.

Áo ngày xưa còn vàng nắng hạ…
hay nhạt phai trong gió mưa đời?
Dẫu phong ba xứ người tơi tả
Vẫn ấm tình quê cũ em ơi!

Ngô Chí Trung
 07-4-2018
(Đã in trong tập thơ HƯƠNG YÊU, nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12/2018)