Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Nha Mân quê tôi


Từ Thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận rẻ phải là khởi điểm của quốc lộ 80 đi hướng thành phố Sa Đéc, sẽ ngang qua Nha Mân, quê tôi.

Nha Mân, gối đầu lên một nhánh bên hữu ngạn sông Tiền, và duỗi mình về hướng Sông Hậu. Từ thời Pháp cai trị đến năm 1955, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Sa Ðéc. Năm 1956 đến năm 1965, Sa Ðéc trở thành quận  thuộc tỉnh Vĩnh Long . Ngày 24-9-1966 tỉnh Sa Đéc được tái lập, Nha Mân thuộc xã Tân Nhuận Đông, quận Ðức Tôn. Sau ngày 30-4-1975 hợp nhất hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp thì quận Đức Tôn đươc đổi lại thành huyện Châư Thành, huyện lỵ đặt tại thị trấn Cái Tàu Hạ.

Trước đây trụ sở xã cạnh đầu cầu Nha Mân (phía Sa Đéc), sát đường liên tỉnh số 8 Vĩnh long–Sa đéc–Vàm cống (nay là quốc lộ 80). Hiện tại, trụ sở mới di dời về tỉnh lộ 854 (phía Mỹ Thuận), cách quốc lộ 80 khoảng 300m. Tôi không biết địa danh Nha Mân do đâu mà có, và ranh giới từ đâu đến đâu nữa. (Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký là do tiếng Oknà Mẳn. Tuy nhiên cũng có người cho rằng là do Oknà Muôl vì nó gần với âm nha mân hơn. Oknà hay Oknha là một quan chức của người Khmer/Chân Lạp có quyền cai quản một trấn, một hạt). Chỉ biết là con sông trải dài theo quê tôi có tên là Nha Mân. Không biết có phải do vậy mà tên Nha Mân trở thành miền quê này hay không? Nhưng về mặt hành chánh từ xa xưa, thì Nha Mân là xã Tân Nhuận Ðông do sự kết hợp 3 làng Phú Nhuận, Tân Hựu, và Tân Hựu Ðông khoảng năm 1940 hay 1941 gì đó.

Và cho dù tên hành chánh của xã có là gì đi nữa, thì Nha Mân vẫn là cái tên rất thân thương đối với những người sinh sống trên vùng đất hiền hòa và trù phú này, một vùng đất được dòng phù sa bồi đắp quanh năm, nhất là vào mùa nước dâng cao từ thượng nguồn sông Mékong đổ xuống. Sông Nha Mân, bắt đầu từ một nhánh của Sông Tiền (còn gọi là Tiền Giang), rồi quanh co uốn khúc như hằng trăm con sông khác, góp phần tạo nên hệ thống sông rạch trên miền quê thân thương của vùng đất "cù lao" giữa Sông Tiền với Sông Hậu.

Phần cuối của sông Nha Mân, nối vào rạch Ba Càng (trên đường Vĩnh Long-Cần Thơ) và ra Sông Hậu, ngang chợ Cần Thơ. Dọc bờ trái sông (từ cầu Nha Mân vào) có nhiều rạch nhỏ. Những rạch này cách nhau từ vài trăm thước đến vài cây số. Rạch đầu tiên có tên là Rạch Chùa Ong Chim. Sở dĩ con rạch có tên Chùa Ong Chim là vì khoảng giữa rạch, có chùa Hội Phước, xây cất vào cuối thế kỷ 19, và được xem là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của đồng bằng Cửu Long. Theo lời những người cao tuổi kể lại, xưa kia, quanh chùa vắng vẻ, khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ, ong và chim về làm tổ rất nhiều.

Khỏi rạch Chùa Ong Chim khoảng 500 thước là rạch Bà Thiên. Từ vàm rạch, có nhiều nhà khá giả với những ngôi nhà nền đúc cao, vách tường hoặc vách ván, lợp ngói. Rồi đến rạch Cầu Xoay, nhưng bà con quen gọi là Cầu Xây, vì cây cầu lúc mới xây dựng "xoay được 1/4 vòng tròn" để ghe lớn chở lúa ra vào rạch. Xa khoảng 2 cây số nữa, sẽ đến Chợ Dinh, và cạnh đó là rạch Ông Ðại. Khoảng giữa Cầu Xây với Chợ Dinh, trước đây có nhiều ngôi nhà nền đúc theo kiểu xưa, của những vị đại điền chủ.

Cứ tiếp tục theo bờ trái sông Nha Mân, bà con sẽ đến Rạch Tre. Tại sao có tên Rạch Tre thì tôi không biết, chỉ biết rằng, trong rạch này có ngôi chùa Thiên Phước mà ngày xưa chung quanh là hàng rào tre bao bọc. Qua khỏi Rạch Tre là Ngã Ba sông, tên địa phương là Ngã Ba Tân Hựu. Nếu rẽ phải là lên Bình Tiên, và từ đây theo dòng nước về Rạch Rắn, rẽ phải sẽ ra đến chợ Sa Ðéc. Cũng từ Ngã Ba Tân Hựu, nếu đi thẳng, bà con sẽ đến rạch Cái Ngổ, chính nơi đây là quê nội tôi. Con rạch có tên chính thức ghi vào bản đồ hành chánh là Cái Ngổ, nhưng người dân thường đọc trại ra thành Cả Ngổ (cũng như nhiều địa danh Cái Xép, Cái Tàu Hạ, Cái Gia… bị gọi trại ra là Cả Xép, Cả Tàu, Cả Gia…).
Nơi đây, ngày xưa nổi tiếng về những nhà giàu với những vườn cam, quít, xoài, bưởi. Ðoạn sông này bắt đầu hẹp bề ngang khi qua khỏi Ngả Ba Tân Hựu. Tiếp tục đi sâu vào sông Nha Mân, sẽ là Rạch Chùa và ngay tại vàm rạch này cũng có ngôi chùa tên là chùa Thiên Thọ. Qua khỏi Rạch Chùa là Rạch Gia. . Một đoạn nữa là Rạch Cầu.
Ngọn Rạch Cầu thông xuống một nhánh của ngọn sông Cái Tàu Hạ. Gần Rạch Cầu là rạch Bằng Lăng, cũng là ranh giới hành chánh giữa hai xã Tân Nhuận Đông và Hòa Tân. Cách đó không xa là rạch Mương Khai, khu vực này là xã Hòa Tân do sự kết hợp xã Hòa Hưng và Tân Hựu Trung cùng khoảng thời gian hình thành xã Tân Nhuận Ðông, cũng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tiếp tục về hướng ngọn sông Nha Mân là Xẻo Mát, với đoạn sông càng lúc càng hẹp bề ngang, cho đến cuối ngọn thì thông vào rạch Ba Càng thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Nha Mân trước chiến tranh (tức giữa năm 1945 về trước), bờ trái sông Nha Mân có đường trải đá vào đến Hòa Tân. Lề đường bên phải - tức phía bờ sông - có hàng cây me ăn trái. Những cây này trồng theo khoảng cách đều nhau và cùng lứa với nhau, nên tán cây cùng cỡ, trông như những cái nấm khổng lồ dọc hành trình thủy bộ. Cũng theo lời những người cao tuổi, mùa me vừa chín, đám trai trẻ trong làng thường "ăn cắp" chấm muối, ngon ơi là ngon. Nói "ăn cắp", vì hàng me dọc lề đường Nha Mân - Hòa Tân là tài sản của Xã, và hằng năm Ban Hội Tề xã đấu thầu bán cho những ai trả giá cao nhất.

Vào thời Pháp thuộc, Hội Tề hay Hội Ðồng Hương Chức (về sau gọi là Ủy Ban Hành Chánh xã) theo thứ tự từ cao xuống thấp: Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ, Hương thân, Hương hào, Xã trưởng, và Chánh lục bộ. Hương Cả là vị đứng đầu Ban Hội Tề với vị phụ tá là Hương Chủ, và 2 vị cố vấn là Hương Sư, Hương Trưởng. Hương Chánh trông coi đường sá cầu cống. Hương Giáo trách nhiệm về trường học. Hương Quản lo về an ninh trật tự. Hương Bộ ghi chép và lưu giữ sổ bộ của làng. Ba vị Hương Thân, Hương Hào, và Xã Trưởng, hợp lại thành Ban Chấp Hành thường trực điều hành công việc của Xã. Riêng Xã Trưởng có thêm trách nhiệm thuế má. Chánh Lục Bộ trách nhiệm về bộ đời, như: khai sanh, khai tử, lập hôn thú,...

Hằng ngày có xe đò loại nhỏ, chạy đường Sa Ðéc - Nha Mân - Hòa Tân, và ngược lại. Từ hàng cây me ra đến bờ sông, còn một khoảng cách chừng 5 thước, (nay đất đã lở sụt xuống sông, con đường hiện tai gọi là tỉnh lộ 854 trải nhựa mới làm sau nầy). Ðồng thời, trên sông Nha Mân có "đò máy" chở khách, xuôi ngược trên thủy trình Xẻo Mát –Hòa Tân - Ngã Ba -     Nha Mân.

Ðó là phương tiện chuyên chở công cộng. Ngoài ra, bà con trong làng còn có phương tiện di chuyển riêng là ghe, xuồng, xe đạp (thuở đó nông thôn chưa có xe mô tô hay xe gắn máy), và vài xe du lịch của khu nhà giàu gần chợ Dinh. Ngay vàm rạch Ông Ðại, có ông bà chủ hãng xe đò Tân Phát chạy đường Sa Ðéc - Sài Gòn.

Vì vậy mà những chiếc xe loại 40 chỗ ngồi, sơn màu vàng, thường ra vào đường này, và mặt đường đủ rộng cho hai xe xuôi ngược. Chợ Nha Mân xưa được xây cất giống như những chợ nông thôn miền Nam. Ðó là ngôi chợ hai mái thoai thoải về hai dãy phố trệt buôn bán bên hông chợ.

Chung quanh có trải đá lởm chởm. Họa đồ tổng thể của khu chợ, gồm: Nhà chợ, dành cho những gian hàng áo quần vải vóc, tạp phẩm, quày thịt, trái cây. Hai dãy phố hai bên, là những tiệm tạp phẩm, tiệm thuốc bắc.

Phía hướng ra bờ sông, là nơi dành cho người mua gánh bán bưng trong những giờ "nhóm chợ". Sau khi "tan chợ" thì sân này trống trơn. Bờ sông là bến đậu cho ghe xuồng, có chiếc cầu ván mặt rộng dành cho "đò máy" cặp vào để khách lên xuống. Đối diện chợ (bên kia quốc lộ 80) là "Nhà Việc" (sau này gọi là trụ sở xã) nơi mà Ban Hội Tề (sau này là Ủy Ban Hành Chánh xã) điều hành những công việc của xã Tân Nhuận Ðông. Hiện nay, chỗ nầy là nhà máy nước

- Một bến xe nhỏ, vừa đủ cho vài xe hành khách trên đường Nha Mân - Sa Ðéc đậu chờ khách. Vị trí của chợ gần bờ sông, cạnh đầu cầu Nha Mân phía Sa Đéc. Chợ nhóm mỗi ngày, từ khoảng 3 giờ sáng đến khoảng 10 giờ trưa và lác đác đến 1-2 giờ trưa thì tan, nhưng những gian hàng trong nhà chợ thì buôn bán suốt ngày.

Ngôi trường  tiểu học trước đây toạ lạc tại Đình Thần Tân Nhuận Đông, gần Vàm Sông Nha Mân.

Hằng năm, người Nha Mân có 3 lễ hội lớn, là: Tết Nguyên Ðán, cúng đình, và cúng rằm tháng 7 âm lịch tại các chùa…

Trong trí nhớ của tôi thuở bé, chắc chắn rằng, vui Tết ở thành phố không thể nào sánh bằng nông dân Nha Mân vui Tết được. Nha mân vui Tết trong không khí sum vầy của anh em con cháu khắp nơi trở về, quây quần bên nhau, và cùng nhau ăn những món ăn đậm đà hương vị của những ngày đầu năm, như: bánh tét bánh ích, bánh tráng bánh phồng, dưa cải, củ kiệu, cá thịt kho, mứt dừa mứt bí, mứt khoai mứt gừng. Rồi tiếng pháo tiểu lạch tạch pha lẫn tiếng pháo đại đì đùng đó đây trong xóm.

Trong những ngày Tết, đường đi dọc hai bờ rạch lúc nào cũng nườm nượp kẻ vào trong ngọn người ra ngoài vàm. Gặp nhau, hầu như không ai hà tiện nụ cười kèm theo lời "chúc mừng năm mới". Chiều 30 Tết, nhà nào cũng có mâm cơm "cúng đón ông bà", đồng thời "dựng cây nêu" tượng trưng bắt đầu vui Tết. Ðến Mồng 7 Tết mới hạ nêu, có nghĩa là thuở ấy vui Tết đến 7 ngày. Ban đêm, mọi nhà đều đốt đèn treo trên các thân cây dọc theo đường đi trước nhà để cung cấp ánh sáng cho người người đi lại vui xuân.

Tùy theo đoạn đường chạy ngang trước nhà dài hay ngắn, mà số đèn treo có thể từ 5 đến 10 chiếc. Ðó là những chiếc đèn dầu loại nhỏ làm bằng thiếc, được gọi là "đèn bánh ú" vì nó có hình dáng tựa như cái bánh ú. Tim đèn cao để chịu được gió ở tốc độ thông thường. Giữa đêm, người nhà phải châm thêm dầu hoặc đốt lại ngọn đèn đã tắt. Tết Nha Mân về đêm, với những ánh lửa lập lòe ở khoảng cách không đều nhau, cao thấp cũng chênh lệch nhau, và chính "ánh sáng đèn đường" này đã góp phần tạo nên cái dáng vẻ của người Nha Mân mừng xuân là vậy.

Trong chiến tranh, xã Tân Nhuận Đông cũng như nhiều vùng quê trên đất nước bị đạn bom tàn phá, Ngày nay, Nha Mân cùng nhân dân xã Tân Nhuận Đông chung tay xây dựng nông thôn mới tươi đẹp hơn. Chương trình thắp sáng đường quê đã đem ánh sáng điện về thay thế cho những chiếc đèn bánh ú ngày xưa. Đời sống người dân được nâng cao và hạnh phúc trong cảnh thanh bình. Những chiếc máy gặt đập liên hợp cộng với tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp đã giúp giảm bớt nỗi nhọc nhằn cho nông dân một thời hai sương một nắng.

Tôi là người đã từng đi qua chiến tranh, thấu hiểu nỗi niềm đau thương mất mát. Tôi yêu quê hương tôi. Tôi tin các thế hệ mai sau cũng yêu quê hương Nha Mân và trân trọng gìn giữ cảnh bình yên như hôm nay bằng mọi giá.



Ngô Chí Trung
 19-01-2015

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Tự sự cuối năm




Trên đời có một thằng tôi.
Ương ương dở dở, lôi thôi, làng nhàng.
Không thầy cũng chẳng phải quan.
Lê la ngày tháng say tràn cung mây.
Bạn bè Nam-Bắc-Đông-Tây.
Khề khà cái lẽ vơi đầy thế nhân.
Quê nhà tại xứ Nha Mân.
(Nha Mân – Sa Đéc cũng gần đấy thôi).
Vợ thường ca cẩm xa xôi:
-"Dài lưng tốn vải, đứng ngồi vẩn vơ.
Đèo bòng tập tọng làm thơ.
Gieo câu lục bát ầu ơ ví dầu".
Thưa rằng: -" Tôi chẳng ham đâu.
Chẳng qua số kiếp cơ cầu đa mang.
Trót sinh giữa cõi trần gian.
Phải kêu tích tịch tình tang với đời".

Trang thơ, bút, mực…sẵn rồi.
Nối vòng tay lớn đón mời tri âm.


                           Ngô Chí Trung
                      Nha Mân 15-01-2015
              Những ngày cuối năm Giáp Ngọ.
(Đã in trong tập thơ TÌNH NẮNG, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - tháng 4/2016).