Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Nhớ mùa hạ cuối


(Nhớ một thời biên cương khói lửa, những người con trai xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Câu chuyện về chiến tranh rồi sẽ qua đi. Chỉ có tình yêu tuổi trẻ mới chính là dòng chảy bất tận còn ở lại với thời gian).

Tôi phải xa trường, xa lớp học
Thầy cô, bè bạn cũng chia phôi
Tinh khôi áo trắng thời hoa mộng…
với tuổi hồn nhiên xếp lại rồi.

Đã nghe súng giặc rền biên ải
Chẳng lẽ ngồi đây rượu với thơ!
Đã nghe sông núi căm hờn gọi
Lớp lớp hiên ngang tiến dưới cờ.

Nơi chốn tôi đi nghiệt ngã đường
Ngày em tiễn biệt mắt sầu vương
Ai biết lần sau còn gặp nữa…
hay là xa mãi bến sông thương!

Từ ấy xông pha vào trận mạc
Bom đạn chôn vùi bao ước mơ
Gió biên cương thổi hồn kiêu bạc
Nắng chiến trường thiêu phách xác xơ.

Tôi trở về đây ngày cuối hạ
Cô liêu bến cũ lạnh đôi bờ
Chỉ thấy rơi rơi từng chiếc lá
Trên dòng sông vắng gió lơ phơ.

Em cũng đi rồi, nơi rất xa
Trùng dương cách trở mấy quan hà
Phương này tôi với chiều hiu quạnh
Bên mái trường xưa gốc phượng già.

Tôi viết bài thơ mùa hạ cuối
Gởi một người xưa khuất nẻo sương
Ai hát khúc “Nỗi buồn hoa phượng”
Mỗi độ hè về thêm nhớ thương.


Chùm phượng trên cành bừng sắc đỏ
Mây trắng bên trời mây trắng bay
Tiếng ve réo rắt luồn trong gió
Bạn cũ thầy xưa chẳng thấy ai.


Ngô Chí Trung
  23-4-2017

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Nhà nông


Buồn thay cái nghiệp nhà nông!
Thiệt đơn thiệt kép, nhọc công đủ đường
Cả đời một nắng hai sương
Quanh năm lam lũ ruộng vườn tăng gia.
Giá vàng tăng với đô-la
Giá nông sản vẫn là đà tuột thang
Nhà nông tím mặt bàng hoàng
Kêu trời chẳng thấu thiên đàng. Khổ chưa!

Ngô Chí Trung
   15-4-2017

Bao giờ em về Nha Mân


Bao giờ em về Nha Mân,
thăm quê hương cũ một lần rồi đi?
Thăm xưa tuổi chẳng biết gì
Thăm trăng mười sáu đang kỳ hồn nhiên.

Thăm thời chưa biết ưu phiền
Thăm miền tuổi ngọc còn nguyên vóc ngà
Chút tình dẫu có phôi pha
Đường xưa lối cũ quê nhà còn đây.

Sông Dưa nước vẫn còn đầy
Cồn Bạch Viên mướt vườn cây mượt mà
Hãy về thăm lại mùa xa
Tiếng ve còn vướng trên tà áo xưa.

Thăm đò Tân Lễ ban trưa
Về An Hiệp đẫm cơn mưa ướt chiều
Đường trơn bước trợt liêu xiêu
Em mong mỏng áo tôi liều lĩnh mê.

Từ đêm hát khúc ly quê
Em qua biển lớn tôi về với sông
Tiền Giang sóng nước bềnh bồng.
Chòng chành nỗi nhớ cho lòng ngây say.

Chuồn chuồn chuyển nắng cho ngày
Nỉ non dế khóc cho dài đêm thâu
Bởi em vội vã qua cầu
Nên người giang vĩ giang đầu khói sương.

Bên kia bờ Thái Bình Dương
Xa xôi biết có nhớ đường về thăm!...


Ngô Chí Trung
15-4-2017
(Đã in trong tập thơ HƯƠNG YÊU, nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12/2018)

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Em thay áo trắng qua cầu


(mỗi người có một mái trường để luyến tiếc, để nhớ… Nhớ về trường cũ là nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ sân trường, lớp học, nhớ tà áo trắng nữ sinh mềm mại và những tháng năm tươi đẹp một thời).

Nhớ tà áo trắng tung bay
Khắc vào ký ức tháng ngày yêu thương
Hàng cây, lối cỏ, con đường
Vẫn còn phảng phất mùi hương học trò.

Bây giờ bến cũ buồn xo
Sóng xô nước đẩy con đò về đâu?
Em thay áo trắng qua cầu
Kịp giờ hoàng đạo đưa dâu xuất hành.

Phượng hồng, mây trắng, trời xanh
Cũng thương cho mối duyên đành đoạn chia
Em ơi ngó ý dẫu lìa
Cũ càng chút nghĩa còn kia tơ lòng (*)

Ngày sau biết gặp hay không
Người xưa trong chốn bụi hồng đã xa
Ru ta giấc mộng nhạt nhòa
Một tình thơ đã đi qua cuộc đời.


Ngô Chí Trung
  08-4-2017
(*) Mượn ý hai câu thơ 2241, 2242 trong truyện Kiều:
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”


Lục bát là lục bát ơi…!


Người ta làm thơ: cách tân,
tự do, hiện đại…; lời gần ý xa.
Thơ tôi mộc mạc thiệt thà
Gieo câu sáu tám rất là… chân quê!
Hồn nhiên sớm tối đi về
Mặc ai rẻ rúng, khen chê dập vùi
Chân thành câu lục buồn vui
Thẳng ngay câu bát ngậm ngùi đa đoan.
Tôi – người ở trọ trần gian
Cứ rong chơi, cứ ngang tàng cùng thơ.
Tôi là một kẻ lơ ngơ
Vịn câu lục bát theo bờ mà đi.
Biết tôi vốn chẳng là gì
Cứ làm thơ giữa thị phi cuộc đời.
Lục bát là lục bát ơi…!


Ngô Chí Trung

  08-4-2017