Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

LỠ DẠI



Ngày xưa ngờ nghệch làm thơ
Em đòi tặng để rồi hơ hớ cười
Biết là thơ chẳng nuôi người
Đam mê trót lỡ nên rười rượi thương.

Biết là  thế sự vô thường
Vịn câu thơ để còn vương vấn đời
Nghiêng tình xuống đáy ly vơi
Rót tràn kỷ niệm một thời xa xôi.

Biết là tình bạc như vôi
Cũng đành cau héo trầu ôi lỡ làng
Lối xưa rũ cánh hoa vàng
Thềm xưa bụi phủ đã hoang vắng chiều.

Dấu hài cỏ mọc xanh rêu
Yêu em ta lỡ dại liều kinh niên
Em ơi, thời buổi kim tiền!
Thơ đâu cám dỗ được triền môi em.

Mảnh tình nhuốm bụi lấm lem
Bởi ta dại dột lỡ đem trao bừa
Thưa em! Ta của bây giờ
Chuyện xưa xa lắc cũng lờ mờ phai.


Ngô Chí Trung
  31-7-2019

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

HÃY ĐỘ NÀNG! ĐỪNG ĐỘ TA!



Cúi đầu lạy đấng Từ Bi
Độ Nàng, chứ độ ta chi, cũng thừa
Đời ta lận đận nắng mưa
Đã mang nghiệp chướng khi vừa khai sinh.

Nàng còn trong trắng nguyên trinh
Dáng xuân phơi phới tính tình đoan trang
Độ ta mà chẳng độ nàng
Ta nghe áy náy hoang mang phận mình.

Bởi chưng lỡ vướng nòi tình
Trót mê đủ thứ linh tinh lằng nhằng
Vin đào hái lựu bẻ măng
Thêm bao nhiêu món tằn mằn lôi thôi.

Thâm căn cố đế vậy rồi
Đáng đời muôn kiếp luân hồi ăn năn
Đường trần lẽo đẽo nhọc nhằn
Nợ Nàng nên phải xin nằng nặc theo.

Nàng buông câu lục bay vèo
Ta vương câu bát đành neo bến chờ
Van cầu Ngài độ Nàng Thơ
Cho tâm thanh thoát sang bờ thăng hoa.

Độ Nàng, xin chớ độ ta!
Đấng Chí Tôn lượng hải hà  xét soi!


Ngô Chí Trung
  22-7-2019

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

SỢI NẮNG CHIỀU VƯƠNG



Nhặt cánh phượng hồng ép vào trang vở
Hồng môi em đằm thắm mộng thơ ngây
Lời chia tay sao ngập ngừng bỡ ngỡ
Lá me bay trong gió thoảng rơi đầy

Tưởng đã quên bên ga đời hiu quạnh
Bỗng bồi hồi chiều muộn chớm thu sang
Sương giăng mỏng con đường xưa lành lạnh
Thân hao gầy lặng lẽ bước lang thang      

Ngày tháng cũ mây ngàn buông lối ngỏ
Tình đến rồi tình vội bỏ ra đi
Hoa phượng thắm tuổi học trò thuở nọ
Bụi thời gian rêu cỏ phủ xanh rì

Em xa khuất tóc buông mành liễu rũ
Sóng trùng dương mây khói tỏa mịt mờ
Sương rơi ướt hoang vu bờ bến cũ
Lau lách buồn trong gió lộng chơ vơ

Cảm ơn em đã cho tôi mật ngọt
Để rồi đòi lấy lại những xót xa
Hồn tôi rách dưới đường dao bén ngót
Em ung dung đi về phía lụa là.

Tôi gom góp chút nắng chiều vụn vỡ
Hong lời thơ ấm áp chữ yêu thương
Dẫu hoàng hôn sắt se màu nhung nhớ
Tạ ơn đời còn sợi nắng chiều vương.


Ngô Chí Trung
  07-7-2019

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

"NHÀ THƠ SIÊU HIỆN THỰC"


(TIỂU PHẨM VUI)

          - Anh báo cho chú biết tin này: kể từ hôm nay anh sẽ khai sáng một trường phái thơ đặc biệt mới.

          - Thì phong trào thơ mới trước đây đã có người thực hiện rồi. Ngoài thể thơ truyền thống ra, thiên hạ người ta đã làm thơ tự do, thơ cách tân, rồi còn gọi cái gì là thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại loạn cả lên. Mà anh định làm thể loại thơ gì vậy?

          - Mình phải làm khác mọi người. Trường phái thơ của anh gọi là “thơ siêu hiện thực”.
         
          -  Theo em, thơ dẫu là thơ tự do, tuy không ràng buộc niêm luật nhưng phải có vần điệu thì mới là thơ. Đàng này thiên hạ làm thơ kiểu gì như là văn xuôi rồi ngắt câu xuống dòng tùy tiện, ý tứ thì lủng củng tối nghĩa, khó hiểu. Em không hợp khẩu vị với loại thơ này. Đọc chán lắm!

          - Chú chẳng hiểu gì là thi ca ráo trọi! Nếu làm thơ theo kiểu truyền thống dễ hiểu thì tầm thường quá. Những nhà thơ lớn – sở dĩ gọi họ là nhà thơ lớn – là vì họ biết cách làm cho điều hết sức dễ hiểu thành ra những cái lắt léo khó hiểu. Những cái cụ thể thì họ viết thành trừu tượng kiểu như đánh đố vậy. Sự khác nhau giữa nhà thơ bình thường và nhà thơ lớn, bác học là ở chỗ đó.

          - Anh nói làm em hơi bị tò mò. Cho hỏi câu này: vừa nãy anh bảo cái gì là cụ thể, rồi lại trừu tượng, nghĩa là sao?

          - Chú còn dốt lắm! Anh nói gọn như vầy: chẳng hạn như cơ thể người ta có cái rốn, nếu  nói “cái rốn” thì đó là cụ thể, nghe nó tầm thường quá, nó phàm tục lắm. Ta phải gọi… ví dụ như là “sẹo độc lập” thì đó là cách nói trừu tượng; nghe cho nó hoành tráng.

          - Thôi thôi! Nghe anh nói mà em ớn tới cổ rồi. Em là người bình dân, anh cứ làm thơ bình thường như trước để đông đảo người bình dân bọn em đọc là vui rồi. Thì cứ như cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng thể thơ lục bát - còn được xưng tụng là quốc thi - mà người đời đã tôn cụ là bậc đại thi hào. Thơ cụ nhiều người đọc qua bao thế hệ mà vẫn còn thích đọc, mua vui cũng được một vài trống canh như cụ từng viết vậy.

          - Nói chuyện với chú chán quá! Chú còn cổ lỗ sĩ lắm! Mẫu tự quốc ngữ chỉ có 29 chữ cái. Cứ làm thơ lối truyền thống, gieo vần bằng bằng trắc trắc, có bao nhiêu từ dùng đi dùng lại người này trùng lặp với người kia. Không khéo người ta cho là đạo thơ. Hơn nữa, thơ mà ai cũng xúm xít tranh nhau đọc, ai đọc cũng đều biết rõ nội dung thì còn quái gì là giá trị của thơ nữa. Chú chẳng biết là loại thơ “siêu hiện thực” người ta càng viết bí hiểm, càng khó hiểu, không cần rộng rãi người đọc thì đó mới là thơ bác học, uy tín của tác giả mới tăng lên. Thậm chí loại thơ ấy chỉ để những người đồng hội đồng thuyền đọc với nhau rồi trao giải thưởng này nọ; làm thơ như vậy mới là đẳng cấp. Thôi, chú về mà đọc loại thơ “mua vui cũng được một vài trống canh” truyền thống kia đi! Anh khai trương trường phái thơ “siêu hiện thực” đây. Hãy đợi đấy!


Ngô Chí Trung
 01-7-2019