Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

TÌNH EM ĐÃ VỘI GIÊNG HAI...


Từ em ngoảnh mặt xoa tay
Làm người xa lạ quên ngày xưa quen
Phải đâu trăng tỏ phụ đèn
Mà lê quên lựu cho nghèn nghẹn tim!

Từ em bảy nổi ba chìm
Mịt mù tăm cá bóng chim cuối trời
Đã biền biệt tím chiều khơi
Quê hương khuất nẻo vợi vời khói sương.

Từ em ảo mộng thiên đường
Lạnh lùng trút bỏ mùi hương quê mùa
Quê mùa em bán tôi mua
Xin đừng rẻ rúng trêu đùa cợt nhau.

Đừng khơi thêm vết thương đau
Để thời gian phủ lên màu rêu xanh
Một mai sẹo đã yên lành
Thì thôi ước hẹn cũng đành đoạn tan.

Tôi về mùa cũ đã tàn
Dấu xưa phế tích nằm hoang vắng chiều
Chim gù gọi bạn đìu hiu
Bến sông quạnh quẽ nắng tiều tụy phai.

Lòng tôi tháng chạp mãn khai
Tình em đã vội giêng-hai… Ngậm ngùi!


Ngô Chí Trung
  28-02-2019



Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

MÂY THÁNG GIÊNG

Lối cũ gió luồn hiu hắt vắng
Đường xưa hun hút lạnh heo may
Dòng thời gian chảy trong im ắng
Năm nối mùa đi tháng nối ngày.

Thoáng gặp em về trong tĩnh lặng
Nhành xuân lộc biếc búp non mềm
Hàng cây nghiêng bóng chiều hoe nắng
Em bước nhẹ nhàng trên cỏ êm.

Mây tháng giêng chiều giăng áo lụa
Em về vừa kịp tiết Nguyên tiêu
Lời thơ thẩm thấu trời sương khói
Vi vu trong gió ngác ngơ chiều.

Em về đang độ mùa xuân chín
Vườn hoa đã rộ sắc tươi hồng
Tìm trong kỷ niệm thân thương cũ
Có còn vương lại chút gì không?

Tôi bến sông Ngân mòn mỏi đợi
Mây tháng giêng bay trắng mái đầu
Em cuối giang hà xa diệu vợi
Nhịp cầu ô thước biết tìm đâu!


Ngô Chí Trung

  24-02-2019

GIỮA DÒNG LỤC BÁT

Tắm trong nguồn cội ca dao
Lời ru xưa vẫn ngọt ngào mới tinh
Giữa dòng chữ nghĩa trầm mình
Hồn tôi ngụp lặn cõi tình tự thơ.

Sắc hương lục bát đôi bờ
Kỳ hoa dị thảo nhởn nhơ bướm vờn
Những đàn mẫu tự rập rờn
Xếp câu sáu tám nghe hơn hớn lòng.

Kệ đời mưa nắng, bão dông
Giữa dòng lục bát tôi bồng bềnh trôi
Vui buồn cũng thế thì thôi
Mặc ai thương đứng ghét ngồi đổi thay.

Thời giờ ngựa chạy tên bay
Vẫn câu sáu tám còn hoài vận xưa
Giữa dòng lục bát đong đưa
Nắng miền châu thổ thương mưa đại ngàn.

Còn đi trong cõi nhân gian
Còn câu lục bát rộn ràng ca dao.
Mùa xuân còn thắm má đào
Em còn duyên dáng hồng hào môi xinh.


Ngô Chí Trung

  17-02-2019

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

NƯỚC VIỆT CỔ NGÀY XƯA TỪNG RỘNG LỚN GẤP 10 LẦN VIỆT NAM NGÀY NAY


Người hướng dẫn viên du lịch địa phương (quê Quảng Tây - Trung Quốc) còn rất trẻ, tên là Thuật giới thiệu với chúng tôi đầy vẻ tự hào: Hồ Nam là nơi đã sinh ra Chủ tịch Mao Trạch Đông. Sở dĩ tỉnh này có tên là Hồ Nam là bởi vì vùng đất này nằm ở phía nam hồ Động Đình.
Tôi buột miệng hỏi lại: "Hồ Động Đình" ư? Thế bạn có biết biên giới Nước Việt cổ của chúng tôi ngày xưa từng đến hồ Động Đình không? Và khắp vùng Hồ Nam này, chắc chắn còn rất nhiều đền thờ “Vua Bà”. Bạn có biết “Vua Bà” là ai không?
Thuật lắc đầu. Anh bạn trẻ là hướng dẫn viên du lịch đã không biết. Và nhiều người Việt Nam đến du lịch vùng đất Tương Tây này cũng không biết...
Vậy xin được cung cấp một bài viết tư liệu dưới đây của nhà nghiên cứu Trần Hưng, để bà con cùng tham khảo và cho ý kiến thêm nhé!
*
Vùng đất phía Bắc của người Bách Việt từng lên đến tận phía Nam sông Dương Tử (hay Trường Giang), tới khu vực Hồ Động Đình (tức tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay). Việc này không chỉ được ghi nhận lại trong các truyền thuyết mà còn nằm trong những chứng tích của lịch sử.
I- Truyền thuyết đã cung cấp thông tin về nước Việt cổ rất rộng lớn...
Theo Lĩnh Nam Chích Quái (huyền sử) thì ông nội của Lạc Long Quân là Đế Minh (cháu 3 đời của Thần Nông) sinh ra con cả là Đế Nghi. Khi Đế Minh đi tuần thú phương Nam thì gặp và cưới con gái bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Ngay từ tấm bé Lộc Tục đã thể hiện rất thông minh và đoan chính.
Đế Minh rất ngạc nhiên trước tư chất thông minh và tài trí của Lộc Tục nên muốn chọn làm người nối ngôi, thế nhưng Lộc Tục lại muốn nhường ngôi cho anh mình là Đế Nghi.
Cuối cùng Đế Minh quyết định truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc, và cho Lộc Tục làm vua phương Nam, lấy sông Dương Tử làm giới tuyến. Ông tế cáo trời đất trên Thiên đài rằng: “Trước đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì chết dưới đao thương”.
Từ đấy phía Bắc sông Dương Tử do Đế Nghi cai quản, phía Nam sông Dương Tử do Lộc Tục cai quản. Lộc Tục khi lên ngôi Vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương, năm 2879 TCN đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, biên giới phía Bắc tới Động Đình Hồ, phía Nam giáp với nước Hồ Tôn, phía Tây giáp với Ba Thục, phía Đông giáp với biển Nam Hải.
Như vậy theo sự phân chia vào thời đấy thì biên giới phía Bắc của người Bách Việt lên đến Động Đình Hồ (phía Nam sông Dương Tử), bao gồm cà các tỉnh của Trung Quốc ngày nay như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quảng Đông, v.v…
Nếu tính diện tích thì Bắc giáp Động Đình Hồ vĩ tuyến 29 Bắc, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành sau này) vĩ tuyến 11 Nam, phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên) kinh tuyến 105 Đông, phía Đông giáp bể Nam Hải, kinh tuyến 118 Đông. Tổng cộng diện tích của Xích Quỷ khoảng 2.900.000 km2.
Khi vua Kinh Dương Vương mất, con trai là Lạc Long Quân lên nối ngôi, lập ra Nhà nước Văn Lang. Khi ấy, biên giới của Bách Việt vẫn được vẹn toàn.
Trong khi đó, dù hậu nhân sau này đã mở mang bờ cõi về phía Nam, nhưng lại mất đi phần đất phía Bắc, nên diện tích Việt Nam bây giờ là 331.698 km2 (tính cả diện tích trên biển), chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước kia. Dẫu đây chỉ là huyền sử thì không phải ngẫu nhiên mà các địa danh lại xuất hiện trong huyền sử. Một số nhà nghiên cứu cho rằng huyền sử này đã diễn tả lại một cuộc di dân của người Việt cổ về phương Nam, cũng như sự kết hợp và chia tách của hai chủng Việt cổ lớn thời bấy giờ.
II- Hai Bà Trưng khôi phục giang sơn Bách Việt như thế nào?
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40 SCN đã giành được thắng lợi và lấy lại nguyên vẹn lãnh thổ nước Việt cổ.
Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng quả cảm của mình đánh đuổi quân Hán đến tận Động Đình Hồ, một nữ tướng là Trần Thiếu Lan đã tử trận tại sông Thẩm Giang. Đây là con sông nối với Hồ Động Đình. Sách thời nhà Nguyễn có ghi chép rằng: “Các sứ thần triều Lý, Trần, Lê đi sứ sang Trung Quốc, khi qua nơi đây đều có sắm lễ vật đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu Lan.”
Khi giành được giang sơn, Hai Bà Trưng giao cho nữ tướng Phật Nguyệt chức Tổng trấn khu hồ Động Đình – Trường Sa. Năm 1979, giáo sư Trần Đại Sỹ tìm thấy tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (tỉnh thủ phủ phía Nam Động Đình Hồ, Trung Quốc) có ghi chép trận đánh Động Đình Hồ như sau: “Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Ðộng Đình, oán khí bốc lên tới trời”.
Giáo sư Trần Đại Sỹ từng tới Trung Quốc để tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và quân Hán, thấy rất nhiều tỉnh đều thờ Vua Bà, nhiều nhất là tỉnh Hồ Nam (khu vực Động Đình Hồ), nhưng không ai còn nhớ "Vua Bà" là ai.
Khi ông đến đến Côn Minh, giáo sư sử học Đoàn Văn ở đây cho hay: “Trong truyền thuyết dân gian nói rằng hồi đầu thế kỷ thứ nhất có trận đánh giữa quân vua Bà với quân Hán tại Bồ Lăng. Nay Bồ Lăng nằm trên lãnh thổ Tứ Xuyên, chỗ ngã ba sông Trường Giang và Ô Giang.”
Giáo sư Trần Đại Sỹ đến bến Bồ Lăng thuộc huyện Bồ Lăng, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để tìm hiểu. Tại đây giáo sư được Sở Du lịch hướng dẫn đến miếu thờ 3 vị thần, tướng của Vua Bà. Nhưng bản thân họ cũng không biết "Vua Bà" và 3 vị tướng này cụ thể là ai, chỉ cho biết "Vua Bà" là người nổi lên chống tham quan thời Hán, cả vùng đó đều có đạo thờ "Vua Bà".
Miếu thờ có rất nhiều câu đối, nhưng cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc đã hủy gần hết các câu đối này. May mắn là ba câu đối vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
Phía trước cửa miếu có câu đối rằng:
Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết… can vân.
Nghĩa là:
Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận…
khí tiết ngút từng mây.
Phía trong miếu có câu đối:
Giang thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ Lăng bách tộc khốc thần trung.
Nghĩa là:
Trên sông Trường Giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa,
Tại bến Bồ Lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.
Những tư liệu này cho thấy biên giới người Việt thời Hai Bà Trưng phía bắc tới Động Đình Hồ (phía Nam sông Dương Tử), phía Tây tới tận Ba Thục (tức tỉnh Tứ Xuyên ngày nay).
Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, người Việt dồn dần xuống phía Nam để tránh sự cai trị hà khắc, khiến khu vực phía Bắc người Hoa Hạ ngày càng đông hơn.
Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo người Bách Việt đánh bại quân Nam Hán, làm chủ lại các vùng đất của nước Việt. Tuy nhiên một dải đất lớn phía Bắc là Nam Hải, Tượng Quận, Quế Lâm đã bị bỏ qua, và diện tích nước Việt nhỏ hơn trước. Sau này dù bờ cõi đã được mở rộng về phía Nam, nhưng diện tích ngày nay chỉ bằng hơn 1/10 so với trước đây.
III- Tư liệu lịch sử chứng minh rằng truyền thuyết rất gần với sự thật: Nước Việt cổ rộng lớn gấp 10 lần Việt Nam ngày nay!
Trong bài viết có tựa đề “Thử tìm lại biên giới cổ của Việt Nam” trên diễn đàn Lý Học Đông Phương, vốn là bài diễn văn tiếng Pháp của giáo sư Trần Đại Sỹ đọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp – Á, được dịch giả Tăng Hồng Minh đăng tải, giáo sư Trần Đại Sỹ đã nhắc tới nhiều luận điểm khẳng định biên giới Việt cổ nằm ở hồ Động Đình. Những luận điểm này được đích thân giáo sư Trần Đại Sỹ khảo cứu và viếng thăm thực địa, trong đó nổi bật là:
1. Núi Ngũ lĩnh trong truyền thuyết về Đế Minh xác thực nằm ở Trường Sa, Hồ Nam. Ngoài ra tại tỉnh này còn có rất nhiều các di tích được nhắc tới của tộc Việt như: hồ Động Đình, núi Tam Sơn, sông Tương, Thiên đài, Tương đài, cánh đồng Tương.
2. Thiên đài mà Đế Minh tế cáo trời là có thật, nằm gần bên bờ Tương Giang. Trên đỉnh này có một ngôi chùa nhỏ, bên trong còn có nhiều chứng tích về Hai Bà Trưng và trận Động Đình. Ngoài ra giáo sư Trần Đại Sỹ còn tìm thấy một tài liệu mang tên “Thiên đài di sự lục” tại thư viện Hồ Nam, trong đó miêu tả rõ rằng Thiên đài thờ vua Đế Minh và vua Kinh Dương.
3. Cánh đồng Tương là nơi mà Lạc Long Quân và Âu Cơ đã hẹn nhau tái hội mỗi năm một lần là có thật. Giáo sư Trần Đại Sỹ kết luận rằng cánh đồng Tương chính là vùng trũng phía Tây Ngạn, giới hạn phía Bắc là hồ Động Đình, Nguyên Giang. Phía Nam là Linh Lăng, Hành Giang. Phía Tây là vùng Chiêu Dương, Lãnh Thủy. Nhưng nay cánh đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác: Tương Giang, Nguyên Giang, Liên Thủy, Thạch Khê Thủy.
Cùng với một số luận điểm vững chắc khác, giáo sư Trần Đại Sỹ đi đến kết luận rằng:
Biên giới cổ của nước Việt, với các triều đại Hồng Bàng, Âu Lạc, Lĩnh Nam, phía Bắc quả tới hồ Ðộng Đình, phía Tây giáp Tứ Xuyên.
Vậy là diện tích nước Việt cổ thực sự lớn gấp 10 lần ngày nay!
Nhưng cũng xin ghi chú thêm: Nước Việt cổ và người Việt cổ là khác so với nước Việt và người Việt hiện nay. Người Việt hiện nay chỉ là một nhánh của người Việt cổ.

(Nguồn: TTVN)
Sưu tầm từ trang web: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=828106727581417&id=100011462921364

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

LỜI ĐẦU XUÂN

Chiều qua, ba mươi tháng Chạp
Sáng nay, mùng một. Tết rồi!
Rót ly trà thơm nhấm nháp
Tôi mừng tuổi một mình tôi.

Mùa xuân lần nữa lại sang
Tháng Giêng điệu đàng qua ngõ
Nắng mai rắc sợi tơ vàng
Ngày lên đất trời lộng gió.

Chưa già cũng không còn trẻ
Chân đi quá nửa cuộc đời
Vẫn đượm tình yêu mới mẻ
Dẫu trên đầu điểm sương phơi.

Mùa xuân vừa quen vừa lạ
Nao lòng vừa tiếc vừa thương
Tiếc thời gian trôi vội vã
Thương ta giữa chốn vô thường.

Xin cảm tạ ơn bè bạn
Chúc mừng xuân mới vui chung
Vẫn biết đời người hữu hạn
Trong cõi nhân gian vô cùng.

Ly đầy uống vơi bạn nhé!
Rượu thâm tình rót mời nhau
Niềm tin, yêu thương san sẻ
Tương lai, hy vọng vẫy chào. 



Ngô Chí Trung
  05-02-2019

(Mùng một Tết Kỷ Hợi)

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP


Dại khờ khi ta yêu em
Ngây ngô như củi mà đem về rừng
Cất trong khe núi kín bưng
Lơ ngơ lạc dấu, ta rưng rưng tìm.

Núi cao rừng thẳm lặng im
Có con chim lẻ khuất chìm sau cây
Tình em như mưa bóng mây
Ào qua chưa ướt, phút giây đã tàn.

Gói lòng giữ chút hương tan
Rừng mênh mông lạc lời than thở dài
Trải hồn thơ với nắng mai
Đôi ba câu chữ cũng phai nhạt vần.

Nghĩa gì hai tiếng phù vân?
Có chi đâu, chỉ là vầng mây trôi!
Em đi khuất nẻo lâu rồi
Rừng xưa đã khép. Thì thôi! Ta về…


Ngô Chí Trung

 04-02-2019

XUÂN GỌI

Gởi người em thuở ngây thơ
Sông Nha Mân quyện đôi bờ long lanh
Hồn nhiên tuổi mộng yên lành
Lúa oằn bông ruộng, trái xanh trĩu vườn.

Bây giờ muôn dặm trùng dương
Có nghe xuân ở quê hương gọi mời?


Ngô Chí Trung

 04-02-2019