Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Câu chuyện ngày cuối tuần

Những ngày cuối tháng 6 năm 2017 này dư luận bỗng rộ lên thông tin vụ án giữa đại gia Cao Toàn Mỹ và người đẹp Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu người Việt tại Nga).
Bản chất của sự việc là anh Mỹ cho cô Nga 16,5 tỉ. Nhưng với điều kiện là phải làm bồ (nói rõ là hợp đồng làm vợ bé – vợ hai) của anh Mỹ trong thời gian 7 năm. Điều này thể hiện rõ trong cái mail gọi là "Hợp đồng tình cảm". Có người sổ sàng hơn thì cho rằng đó là bản hợp đồng bán dâm cao cấp. Tuy nhiên vì lý do nào đó mà họ không duy trì đúng thời gian 7 năm. Nói theo ngôn ngữ bình dân là bể hợp đồng . Vậy, nếu cô Nga là người chơi đẹp, đáng lẽ phải trả lại cho anh Mỹ phần tiền tương ứng với thời gian bị bể hợp đồng chứ. Đằng này cô không trả lại đồng nào. Bởi vì anh Mỹ cho tiền với điều kiện làm vợ 2 của anh 7 năm chứ không phải cho vô điều kiện, mà anh Mỹ thì không thể kiện cô Nga vì "hợp đồng tình cảm" không được pháp luật công nhận. Chính vì thế nên anh Mỹ mới nghĩ ra trò bẫy cô Nga ký hợp đồng mua nhà là để hợp thức hóa khoản tiền cô Nga nhận về mặt pháp lý, từ đó mới có thể kiện ra tòa đòi tiền. Mọi người thì cứ chửi anh Mỹ là chia tay đòi quà. Câu chuyện còn kéo dài nhiều tập, (các bạn trong bút nhóm Văn Thi Sỹ có khiếu viết văn có thể hư cấu viết thành bộ trường thiên tiểu thuyết). Sự việc này đúng sai sẽ do tòa án xem xét.
Thôi thì… đó là chuyện cuộc đời muôn mặt nhiều lắt léo, cũng như nhiều chuyện lùm xùm “người đẹp – đại gia” khác đầy rẫy ngoài xã hội. Tôi chẳng rỗi hơi ngồi gõ phím cho tốn thời gian ngà ngọc. Nhưng trong việc này, tôi có hai điều không đồng thuận:
1/- Sau phiên tòa, cô Phương Nga được tại ngoại, chị vợ của đại gia Cao Toàn Mỹ đã viết đơn ly hôn chồng. Không chỉ dứt khoát chấm dứt cuộc hôn nhân ngang trái này, vợ đại gia Cao Toàn Mỹ còn bày tỏ lịch sự với " người thứ ba" Phương Nga, trong đó có đoạn: “Chị nhìn hình em tại Tòa, chị cảm giác như một người hùng, có thể là Võ Thị Sáu? Nó tuy khác về nội dung, nhưng hình thức thì có thể. Một bên đối diện với súng đạn, còn một bên đối diện với TIỀN”.
Ơ kìa! Chị vợ của anh Mỹ sao lại so sánh một cách khập khiểng như thế. Cứ cho là chị xử sự nhân văn, bao dung đối với một phụ nữ sa ngã vì tiền thì điều đó nói lên lòng tốt của chị. Chị đã không chấp nhặt đối với người chồng hư hỏng mất nết và kẻ phá gia cang chị. Nhưng " người thứ ba" Phương Nga – kẻ tham tiền – thì không thể ví von với một nữ anh hùng được.
2/- Lần đầu tiên khi xảy ra vụ án, nhiều người bày tỏ thái độ chê bai Phương Nga là dùng nhan sắc làm tiền đại gia. Tuy nhiên lần này, khi chủ tọa phiên tòa đọc quyết định cho hoa hậu Phương Nga tại ngoại vào chiều 29/6, một số người tới dự phiên tòa vỗ tay. Trên mạng xã hội nhiều dòng trạng thái chúc mừng hoa hậu trở về.
Người ta cho rằng quyết định của tòa là kết quả của sự đấu tranh kiên cường, bền bỉ của Phương Nga, rằng công lý chính thức đứng về phái yếu. Thậm chí, có người ngợi ca hoa hậu là "nữ chiến binh".
Tôi không đồng thuận, bởi lẽ người Việt Nam vốn ghét cay ghét đắng người thứ ba. Còn hoa hậu Phương Nga kể rằng cô làm người thứ ba và nhận số tiền khủng từ chính bản hợp đồng mà mình đồng ý ký kết lại được cảm thông. Nếu những gì Phương Nga làm được ngợi ca thì phải chăng giá trị đạo đức của xã hội đang bị đảo lộn?
Phương Nga có danh hiệu, sắc vóc, lại thông minh, có học thức với ba bằng đại học. Điều đó đồng nghĩa với việc cô không thiếu cơ hội việc làm.
Nhưng cô nói rằng cô đã ký vào bản hợp đồng tình cảm 7 năm, điều đó có nghĩa là cô chấp nhận đánh đổi nhân cách để có được một cuộc sống giàu sang, thượng lưu. Việc đó là do cô tự nguyện, đâu có ai ép buộc.
Đến đây, xin kết thúc bằng bài thơ lượm lặt trên face của Fb: Nguyễn Ngọc Ngạn mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm
CHIẾN TRANH NGA - MỸ
Thằng Mỹ nó đánh con Nga.
Làm cho cả Việt Nam ta lên đồng.
Chuyện rằng Nga có cái lồng.
Mỹ thuê 16 tỷ đồng nhốt chim.
Hợp đồng ký 7 năm liền.
Chỉ chim Mỹ mới có quyền vào, ra.
Ngày trôi qua, tháng trôi qua.
Lồng Nga, chim Mỹ vào ra nhịp nhàng.
Ban đầu chim Mỹ dịu dàng.
Sau dùng như phá, tan hoang cả lồng.
Nga lo, chấm dứt hợp đồng.
(Sợ rằng tiếp tục thì lồng nát tan)
Đang vui bỗng đứt dây đàn.
Bao nhiêu dự định nhỡ nhàng cả ra.
Điên lên, Mỹ quyết đòi quà.
Dựng lên câu chuyện bị Nga lừa tiền.
Thế là Nga bị bắt liền.
Tội này, nhẹ cũng chục niên trong tù.
Ra toà, một sớm mùa thu.
Bấy giờ Nga mới từ từ khai ra.
"Hợp đồng chim Mỹ, lồng Nga".
Thế là được dịp dân ta lên đồng:
Thương Nga phận gái má hồng
Chửi cha thằng Mỹ đàn ông mà hèn
Mặn nồng đã bấy nhiêu phen
Sao mày lại nỡ đẩy em vào tròng?
Than ôi! tình nghĩa chim, lồng.
Loanh quanh, chỉ mấy tỉ đồng là tan.


Ngô Chí Trung

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Phân định “tục – thanh” và thể loại “phồn thực” trong thi ca



Theo báo An Ninh Thủ Đô, tập phóng sự “Những chuyện có thật về nhân quả và phật pháp nhiệm màu” của tác giả Hoàng Anh Sướng do NXB Hội nhà văn cấp phép xuất bản, ra mắt từ tháng 4 năm 2017. Quyển sách có độ dày 352 trang này bỗng gây ồn ào và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi đề cập đến một số bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Một vài quan điểm nhấn mạnh cuốn sách dâm ô và tục tĩu. Trái lại, nhiều người cho rằng chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ.
Quyển sách kể về những cái chết rùng rợn, bi thương của một gia đình ba đời làm nghề đồ tể. Tác giả trích nguyên lời nhân vật, trong đó gọi thẳng tên dân gian của bộ phận sinh dục nữ hay chẳng ngại ngùng nói thẳng chuyện sinh hoạt vợ chồng, trai gái. Nếu quyển sách chỉ là tập phóng sự hay tập truyện ngắn đơn thuần thì có lẽ sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đây là những mẩu chuyện được tập hợp trong một cuốn sách mà nhiều người cho là nói về đề tài phật giáo.
Chi tiết bị gán “dâm ô” trong bài viết là về một gia đình làm nghề đồ tể, về một con người từ bé đã chỉ quen với việc giết lợn, uống tiết lợn, sống bản năng, thất học và vô đạo. Tác giả Hoàng Anh Sướng cho biết toàn bộ những lời nói được cho là tục tĩu kia anh để cho nhân vật đồ tể nói.
Như vậy, một câu hỏi đặt ra: Tục – thanh phân định thế nào?
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn bày tỏ quan điểm: bất cứ câu chuyện nào phản ánh đời sống con người thì luôn có lời kể và lời thoại. Lời kể và lời thoại có tiêu chuẩn thẩm mỹ khác nhau. Trong một chỉnh thể văn bản, lời thoại không thể đánh đồng với lời kể. Tác giả càng lành nghề thì lời thoại càng mang đặc điểm của nhân vật, và càng xa lạ với lời kể. Nếu viết lời thoại của một cô gái điếm giống hệt lời thoại của một ông giáo sư, thì tác giả hãy vứt bút đi cho nhanh. “Khen chê một cuốn sách “dâm ô” không đơn giản chút nào”. Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn kết luận.
Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản thì khoảng cách giữa thanh – tục đôi khi phải căn cứ vào ngữ cảnh. Lời nói đó được đặt chỗ nào, trong hoàn cảnh nào.
Qua sự việc trên, xem ra chuyện “thanh – tục” còn nhiều điều phải bàn. Đương nhiên, sử dụng và thể hiện từ ngữ còn tùy thuộc tay nghề và bản lĩnh của người viết.
Trong lĩnh vực thi ca, dấu ấn “phồn thực” cũng được nói đến nhiều, có khác chăng là các tác giả tránh nói trắng phớ ra mà dùng cách nói ví von đầy tính ẩn dụ. Từ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du được gói ghém che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ thì đến Hồ Xuân Hương là một phong cách táo bạo, thách thức, nổi loạn, ngạo ngôn, ngạo đời đến sửng sốt nhưng đằng sau đó là nỗi niềm khát khao giao cảm với đời, chia sẻ với nỗi khổ của thân phận người đàn bà cô đơn. Hầu hết các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều có ý tả cảnh làm tình hoặc mô tả bộ phận sinh thực khí của nữ hoặc nam. (Thống kê 45 bài thơ của Hồ Xuân Hương, trong đó, miêu tả vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ: 15 bài (31,11%), cảnh sinh hoạt phòng the: 7 bài (15,55%), nỗi niềm khao khát bản năng: 20 bài ( 44,44%)… ). Biểu tượng của sinh thực khí và hình ảnh giao hoan nam - nữ hiển hiện trong thơ của bà như muốn phá tung, muốn giải tỏa những gì là bản năng do bị kìm nén, bị trói buộc bởi những lề thói khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến. Vì chứng kiến những cảnh tượng dâm - tục của giai cấp thống trị và tầng lớp quan lại tha hóa nhưng lại dở thói đạo đức giả, nên hình ảnh sinh thực khí của người phụ nữ: “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” đã được Hồ Xuân Hương đặt ngang với khuôn mặt của lớp người được coi là hiền nhân quân tử: “Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa”(Vịnh cái quạt).
Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người đọc cảm thấy rạo rực một thứ bản năng thôi thúc rất tự nhiên mà xưa nay họ cứ phải giấu diếm, che đậy, nay được Hồ Xuân Hương giãi bày hộ. Cái bản năng tự nhiên, trần tục vốn xa lạ trong sáng tác văn học – thi ca trung đại, thì giờ đây trở thành hình tượng nghệ thuật trong thơ bà và biểu lộ sự tự ý thức về bản ngã, về vẻ đẹp thể xác và tâm hồn của người phụ nữ, về dục vọng lành mạnh. Nó là báu vật của đời khiến cả tầng lớp được coi là hiền nhân quân tử dù “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”, thậm chí đến vua, chúa cũng “chúa dấu vua yêu một cái này”, “cho ta yêu dấu chẳng rời tay”, “yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày”.
Ví như, đánh đu là một trong những biểu tượng tính giao có lẽ cổ sơ hơn cả. Đó là một trò chơi không thể thiếu được trong những ngày Tết hoặc hội xuân ở làng quê. Mùa xuân là lúc trời đất, âm dương giao hòa, thuận lợi cho muôn vật sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, để cân bằng âm dương, thường thì một nam một nữ cùng chơi. Trường hợp bất đắc dĩ, nếu hai người cùng giới “lên đánh” thì những “kẻ ngồi trông” ở bên dưới phải khác giới. Khi cây đu chuyển động thì chính là sự chuyển động của người đàn ông (so với người đàn bà) từ nằm dưới lên nằm trên, rồi lại từ nằm trên xuống nằm dưới. Còn người đàn bà thì ngược lại. Đây là sự bù trừ, đắp đổi, sự giao hòa năng lượng nam và năng lượng nữ mang ý nghĩa phồn thực. Bài thơ “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương đầy những chuyển động, những màu sắc, không khí tươi vui của xuân trong trời đất và xuân trong lòng người: “Trai đu gối hạc khom khom cật”, “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, “Bốn mảnh quần hồng bay phới phới”, “Hai hàng chân ngọc duỗi song song”. Những hình ảnh trên cộng với cách dùng từ dôi nghĩa như "trồng" (tiếng miền Bắc đọc chệch là “chồng”), xếp chồng lên nhau, chồng vợ: Bốn cột khen ai khéo khéo trồng! Phụ âm đầu c, l trong câu “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”, các từ láy đôi đầy ám ảnh: Khéo khéo, khom khom, ngửa ngửa, phới phới, song song, làm bài thơ dậy lên nghĩa khác, nghĩa tục, chỉ hành động tính giao.
Tình dục chỉ trở thành bệnh thái hay dâm tục khi nó được chứa trong một tâm hồn dâm đãng và một thành kiến luân lý giả tạo. Trong bài Quả mít “Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì múi nó dày/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay ”, ngôn ngữ tự nó không thanh cũng không tục. Cái thanh cao hay tục tĩu là do người nghe và nghĩ ra mà thôi. Ai cũng biết, quả mít muốn mau chín thì hái xuống, đóng cọc vào, đừng có táy máy rờ rẫm, sờ mó mà nhựa dính tay, vậy thôi. Chưa nói đến chuyện, cái dục trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là cái dục hạ đẳng, mà là cái dục rất thanh tao, đẹp đẽ vì nó hướng đến một mục tiêu rõ rệt là nhằm tôn vinh vai trò và vị trí của phái nữ trong xã hội và trong gia đình. Với xã hội, người phụ nữ làm gia tăng vẻ đẹp, sự bất tử của khát vọng khôn cùng, là chiếc chìa khóa của sự sinh sôi, nảy nở. Còn trong gia đình, người phụ nữ tạo nên sự hòa hợp âm - dương, giúp cho con người được thăng hoa, được đạt đến cõi cực lạc ngay chốn trần gian này: “Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn/ Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi/ Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười”...
Thời hiện đại, thể loại “phồn thực” cũng được nhiều thi sĩ thể hiện. Bài thơ sau đây của Trần Mạnh Hảo là một ví dụ:
Cám ơn tình dục
“Nếu không dâm sao lại nảy ra hiền”
(Nguyễn Công Trứ)
Nếu mà tình dục xấu xa
Làm sao Phật, Chúa sinh ra trên đời
Cám ơn thân xác tuyệt vời
Cho thăng hoa lại gấp mười thăng hoa
Linh hồn mọc ở đâu xa
Từ trong xác thịt nở ra tinh thần
Em đừng buồn giận vong thân
Nếu không có DỤC thì NHÂN chẳng còn
Có âm dương mới vuông tròn
Có lồi bù lõm, có hòn bù sâu
Cám ơn tình dục nhiệm mầu
Cho thân xác vượt qua cầu tình yêu
Huế 18-4-2014
Một nhà thơ khác - Phạm Công Trứ - cũng viết từ thể thơ lục bát: “Dù đài các hay quê mùa/ Cũng thích phần xác, cũng ưa phần hồn/ Dẫu chọn thực hay chọn khôn/ Chung quy vẫn một vần “ồn” mà ra” đến thể thơ 4 chữ: “Thoạt đầu khỏa tay/ Nuột nà tay trắng/ Rồi thì khỏa chân/Ngọc ngà chân thẳng/ Rồi thì khỏa ngực/ Mởn mơ ngực hồng/ Rồi thì khỏa hông/ Hông đầy ngồn ngộn/ Bây giờ khỏa rốn/ Rốn tròn bây-by/ Rồi nữa khỏa gì/ gặp em hỏi nhỏ/ Em cười quay đi!”. Kiểu “phồn thi” của Phạm Công Trứ hơi có tính hài, bình dân. Ta đọc thêm bài thơ có tựa đề “XUÂN” của ông:
Nếu mùa xuân có môi
Tôi tin môi xuân đỏ
Nếu mùa xuân có má
Tôi tin má xuân hồng
Nếu mùa xuân có mông
Tôi tin mông xuân đẫy
Tôi tin cái mây mẩy
Của mùa xuân cũng hồng
Xuân có tin tôi không?
Các nhà văn, nhà thơ thường nhân cách hóa mùa xuân là thiếu nữ, là phái đẹp… Mà giới nữ thì môi đỏ, má hồng, mông đẫy đó là sự vật cụ thể mắt thường nhìn thấy hiển nhiên. Chứ còn cái mây mẩy của mùa xuân là cái gì, hình dáng ra sao mà cũng màu hồng thì xin chịu! Hỏi một số người yêu thơ, phần đông họ thích thú ra mặt nhưng chỉ tủm tỉm cười, không thể nói ra được. Bởi có nói khéo thế nào thì cũng sợ bị chê là thô thiển. Thì như tôi đã nói, ngôn ngữ tự nó không thanh cũng không tục. Cái thanh cao hay tục tĩu là do người nghe và nghĩ ra mà thôi.
Riêng “cái mây mẩy của mùa xuân cũng hồng” tôi cho là ý tưởng lạ, là “đặc sản” của riêng nhà thơ Phạm Công Trứ.
Ngô Chí Trung
17-6-2017

Bài tham khảo:
- Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trong thơ Việt Nam trung đại. (Đỗ Lan Hiền).
- Vấn đề dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương. (PGS. TS. Đỗ Lai Thúy).

Trước biển


Trên bờ là cát mịn
Ngoài khơi biển muôn trùng
Sóng ầm ào sôi động
Chân trời xa mông lung
Anh và em hữu hạn
Thời gian đi vô cùng.

Con người như hạt cát
Trước đại dương bao la
Nhiều thế hệ đi qua
Biển muôn đời ở lại
Sóng vỗ về bờ bãi
Vọng mãi bản tình ca.


Ngô Chí Trung

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

“Sẩy chữ” hay “Bút sa gà chết”

Người xưa có câu “sẩy chân còn hơn sẩy miệng”; ông bà ta cũng thường nói “bút sa gà chết” là có ý nhắc nhở nên thận trọng lời nói, khi viết để tránh những cái không hay xảy ra. Bởi vì chân không may có sẩy còn mong đỡ được, chứ lời đã nói ra, bút đã hạ rồi thì người nói, người viết sẽ phải chịu trách nhiệm về cái mà mình nói, mình viết.
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng xôn xao việc Cục nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho 300 bài hát đã phổ biến từ lâu trong đó có cả bài Quốc ca. Thì ra bài Quốc ca nhân dân đã hát chui, hát lậu mấy chục năm nay, bây giờ mới được hát chính thức à!
Tiếp theo là việc có một công văn đòi xử lý Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẳng nhưng chỉ hai ngày sau phải thu hồi của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Mặc dù đã được xin lỗi nhưng dư luận bức xúc vì lối hành xử thiếu chuyên nghiệp, không thể thuyết phục mọi người; đồng thời cũng ngán ngẩm cho “cái trình” của một số quan chức thực thi công vụ.
Mà thôi… Đó là việc của Nhà nước, xin miễn bàn.
Cách đây mấy hôm, tôi có đọc trên báo điện tử vietnamnet bài viết của tác giả Ngọc Trang – Diệu Bình tựa đề: Giai nhân Hà Thành tiết lộ về tác giả bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”. Theo bài báo thì bà Viên Thị Thuận năm nay 94 tuổi, hiện ở tại con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, là bạn học với T.T.Kh - là tác giả của bài thơ trên. Trích đoạn bài báo:
“Giai nhân tiết lộ sự thật về tác giả bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”
Bà Thuận cho biết, học sinh nữ từ các tỉnh miền Bắc về đây học tập, phần lớn là con gái gia đình trung lưu, có địa vị trong xã hội. Vào thời gian bà Thuận học năm 3 ở trường Đồng Khánh, có người bạn rất xinh đẹp, tên là Phạm Thị Lý (SN 1922, quê ở Phủ Lý).
Người bạn này của bà được mệnh danh là hoa khôi trường Đồng Khánh, xinh đẹp, thông minh nhưng gia đình muốn bà lấy một người chồng bà không có tình cảm. Vốn có tâm hồn đa sầu, đa cảm nên khi phải lấy người mình không yêu, bà rất buồn bã.
Bà Viên Thị Thuận chia sẻ: “Cũng có thể trong lòng bà ấy đã có ý trung nhân nào khác nhưng ở thời kỳ nữ quyền vừa bắt đầu những bước đi đầu tiên, vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến thì việc dành tình cảm cho người con trai nào đó, dẫu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” là điều không thể. Nên khi phải về lấy chồng bà ấy rất buồn… Trước khi lấy chồng, bà Phạm Thị Lý đã sáng tác bài thơ ‘Hai sắc hoa ti gôn’ gửi đăng báo bằng bút danh TTKH, với mục đích giấu tên.
Bà không ngờ được bài thơ mình sáng tác trong cái giây phút ngẫu hứng lại trở nên nổi tiếng cho đến ngày nay. Hôm đó, bà Lý cùng tôi đến tòa soạn gửi bài thơ rồi đi thẳng nên chẳng ai tìm được tác giả”.
Bà Thuận cũng cho biết thêm: “Trước khi gửi đăng báo, bà Lý từng đọc cho các bạn trong lớp nghe…”.
Sau này, rất nhiều giả thiết được đưa ra để xác định tác giả thực sự nhưng đều dừng lại ở mức độ nghi vấn, vì tác giả bài thơ chưa bao giờ lên tiếng xác nhận.
Hình như, dù là cuộc hôn nhân “ép buộc” nhưng cuộc đời bà lại vô cùng hạnh phúc. Có thể vì thế, những cảm xúc đầu đời cùng bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” được bà Lý cất gọn trong kí ức.
Vợ chồng bà sinh được 10 người con, sau này bà theo chồng sang Mỹ định cư và mất ở tuổi 80. Và, tác giả của một bài thơ nổi tiếng giờ vẫn là bí ẩn trong văn đàn. (Hết trích)
Những người yêu thơ đều biết T.T.Kh là một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử văn chương, về một thi sĩ bí ẩn tung lên thi đàn mấy bài thơ tình tuyệt tác làm ngẩn ngơ đọc giả rồi lặng lẽ biến mất trong sự bàng hoàng sửng sốt của người yêu thơ.
Bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” đăng ngày 23-9-1937 trên báo Tiểu thuyết thứ bảy đến nay đã 80 năm. Rất nhiều người tìm cách vén lên bức màn bí ẩn của câu chuyện. Tác giả Trần Đình Thu có loạt bài trên báo Thanh Niên những ngày cuối tháng 10-2005 tựa đề: “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh” nhưng cũng chỉ nêu lên những giả định. Còn người yêu thơ vẫn luôn khát khao được biết sự thật : T.T.Kh là ai và trong tình huống nào mà sáng tác nên những áng thơ tình đặc sắc như vậy?
Nay đã có người xác nhận tác giả thật sự của những bài thơ kia thì thỏa lòng các nhà sưu tầm và đọc giả quá rồi còn gì! Một trang web sốt sắng tải nguyên si bài viết (xem tại đây) https://hoatienquan.wordpress.com/…/giai-nhan-ha-thanh-tie…/
Còn tôi thì viết bài “Đã tìm được tác giả bài thơ Hai sắc hoa ti gôn” định đưa lên trang Văn Thi Sỹ “khoe” cùng các bạn trong nhóm. Cẩn thận, tôi kiểm tra lại theo đường link địa chỉ bài báo để minh chứng là nói có sách. Nhưng có lẽ phóng viên báo muốn chơi nổi, giật tít câu view, nhét chữ vào mồm bà Thuận nên bị dư luận hoặc bà Thuận phản ứng hay sao ấy? Bài báo đã gỡ bỏ đoạn trích trên, chỉnh lại tựa và sửa đoạn văn ngắn gọn như sau (trích):
Vào thời gian bà Thuận học năm 3 ở trường Đồng Khánh, có người bạn rất xinh đẹp, tên là Phạm Thị Sứ (SN 1922, quê ở Phủ Lý).
Gia đình muốn bà lấy một người chồng bà không có tình cảm. Vốn có tâm hồn đa sầu, đa cảm nên khi phải lấy người mình không yêu, bà rất buồn bã.
Trước khi về lấy chồng, ngày chia tay các bạn, bà bịn rịn hồi lâu rồi đọc bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” để bày tỏ nỗi niềm của mình về một cuộc hôn nhân không có tình yêu.
Dù là cuộc hôn nhân qua mai mối nhưng dường như cuộc đời bà Sứ lại vô cùng hạnh phúc. Vợ chồng bà sinh được 10 người con, sau này bà theo chồng sang Mỹ định cư và mất ở tuổi 80.
Nguồn tại đây http://vietnamnet.vn/…/nu-sinh-dong-khanh-noi-ve-bai-tho-ha…
Qua đó mới thấy một số người viết báo bây giờ thiếu trách nhiệm với người đọc. Và người đọc nếu hấp tấp chia sẻ mà không kiểm chứng thông tin đôi khi vô tình tiếp tay loan truyền thông tin thất thiệt. Đây cũng là bài học cho thói hóng hớt của tôi.
Thôi thì… tám mươi năm qua kể từ ngày bài thơ Hai sắc hoa ti gôn xuất hiện trên văn đàn, bút danh T.T.Kh đã không muốn tiết lộ danh phận thì hãy để tác giả bài thơ này được bình yên trong cõi thơ!
(Giai thoại về sự ra đời của bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, tôi đã sưu tầm tổng hợp đăng trên Zing Blog. Bây giờ chuyển về tại đâyhttp://chitrungngo.blogspot.com/…/giai-thoai-ve-bai-tho-hai…).
Đây là một trong những bài thơ hay ở buổi ban đầu của một thời thơ mới và bài thơ sẽ còn sống mãi trong lòng những người yêu thơ nhiều thế hệ.
Xin mượn bài thơ của một người yêu thích T.T.Kh để kết thúc bài viết này:
Nhớ “Hai sắc hoa ti gôn”
Chiều nay đọc lại bài thơ cũ
“Hai sắc ti gôn” luống ngậm ngùi
Người ở nơi nao còn để lại
Đi cùng năm tháng áng thơ rơi…?!
Nhớ một mùa Thu, nhớ một chiều
Thương người con gái chớm thương yêu
Tình thơ trong sáng hồn trong trắng
Đâu biết ngày mai sẽ khổ nhiều.
Đã mấy mươi năm, đã mấy mùa
Người thơ năm cũ đã về chưa
Vườn Thanh ngày ấy còn không nhỉ
Hai sắc ti gôn… Một mùa xưa…?!
Hạ Trắng

Ngô Chí Trung

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Giai thoại về bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn


Hồi còn đi học, tôi rất thích bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của tác giả T.T.Kh. Có một giai thoại thú vị về sự ra đời của bài thơ đã từng một thời xôn xao trên văn đàn.

T.T.Kh là một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử văn chương. Đó là câu chuyện về một thi sĩ bí ẩn bỗng nhiên tung lên thi đàn mấy bài thơ tình tuyệt tác làm ngẩn ngơ độc giả rồi lặng lẽ biến mất trong cái bàng hoàng sửng sốt của người yêu thơ.

Báo Thanh Niên đã có loạt bài viết trích từ bản thảo cuốn sách “Giải mã nghi án văn học” của tác giả Trần Đình Thu . Câu chuyện bắt đầu vào tháng 7-1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn mang tên “Hoa ti-gôn” của nhà văn Thanh Châu. Nội dung truyện ngắn tóm tắt như sau:
Có một họa sĩ nghèo mới ra trường. Trong một lần đi tìm cảnh vẽ, chàng đã gặp một thiếu nữ đang hái hoa ti gôn trong vườn. Từ đó, chàng đâm ra mê người đẹp, luôn đạp xe vào làng để ngắm trộm nàng hái hoa.
Năm tháng qua đi, chàng họa sĩ trở nên nổi tiếng. Tranh vẽ của chàng bán được giá rất cao. Họa sĩ trở nên giàu có. Một mùa đông, chàng đi vẽ ở một vùng nọ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi, họa sĩ trông thấy một thiếu phụ. Chàng ngờ ngợ như đã từng gặp người này ở đâu. Cuối cùng nhớ ra, nàng chính là cô gái hái hoa ngày ấy. Trong khi khiêu vũ với nàng, chàng nhắc lại chuyện cũ. Nàng vô cùng ngạc nhiên.
Nàng kể chuyện cuộc đời mình cho chàng nghe. Nàng lấy một người chồng môn đăng hộ đối nhưng cuộc hôn nhân quá tẻ nhạt. Từ đó, nàng hay lui tới chỗ họa sĩ trọ để chơi và để chàng vẽ cho một bức chân dung. Chuyện gì đến đã đến. Một buổi sáng, hai người đi chơi ở một ngôi chùa trên đỉnh núi, chàng đã tỏ nỗi lòng mình. Nàng đáp lại tình yêu của chàng.
Chàng bàn với nàng trốn đi Nhật để chung sống với nhau. Nàng nhận lời. Chàng về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc thì nhận được thư nàng vào giờ chót. Nàng từ chối chuyến đi vì không đủ can đảm vượt qua. Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Chàng nhìn những nụ hoa hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu, lặng lẽ hôn lên những cánh hoa và khóc.
Bốn năm sau, một hôm chàng nhìn thấy trên bàn mình một phong thư viền đen. Mở ra xem thì đó là của người chồng nàng báo tin nàng đã chết. Chàng đáp xe lửa đến nơi để đặt lên mộ nàng dây hoa quen thuộc. Từ đó, chàng luôn mua hoa ti gôn về đặt trong phòng mình.
Hoa ti gôn là một truyện ngắn không có gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Truyện ký thác một tâm sự khắc khoải, nhớ nhung hoài niệm. Hình ảnh dây hoa ti gôn được lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn khơi gợi một điều gì đó không tiện nói ra. Tác giả của nó - nhà văn Thanh Châu, khi đó là một chàng trai trẻ 25 tuổi, vừa quyết định bước vào nghiệp văn chương. Chàng cũng vừa trải qua một chuyện tình buồn.
Hai tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Vào tháng 9/1937, tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ của một tác giả ký tên là T.T.Kh. Đó là bài Hai sắc hoa ti gôn , được đăng vào ngày 23/9/1937.
Giai thoại về bài thơ được đăng cũng rất đặc biệt. Suýt chút nữa những người yêu thơ sẽ không được thưởng thức cái hay xuất thần của bài thơ.
Nhà văn Ngọc Giao kể rằng, vào một buổi trưa, cuối mùa thu năm 1937, ở toà soạn báo "Tiểu thuyết Thứ bảy", khi những đồng nghiệp trong toà soạn đã về nghỉ gần hết, chỉ còn lại Trúc Khê Ngô Văn Triện và ông. Trúc Khê Ngô Văn Triện còn nán lại để dịch "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ  ra quốc ngữ. Còn ông thì đã tiến đến chỗ mắc áo để lấy mũ và ra về.
Nhưng đúng lúc đó có tiếng kèn đám ma. Đám tang đang đi qua phố Hàng Bông, ông là người rất sợ nghe tiếng kèn đám ma, nên ông mới nán lại thêm cho xe tang đi qua đã. Đã khoác áo, đội mũ chỉnh chu, ông không muốn quay vào phòng trong mà kéo ghế ngồi tạm lại chỗ gần cửa, gần nơi để cái sọt đựng giấy loại. Không biết điều gì xui khiến, ông đưa tay vào sọt giấy loại, nhặt lên mấy tờ bị vo tròn và quẳng vào đó chờ đi đổ xe rác.
Tẩn mẩn, ông vuốt một tờ ra và đọc. Đó là một tờ giấy học trò khổ nhỏ. Một bài thơ. Chữ viết bằng bút chì nguệch ngoạc, nét run, nét mờ, như thể viết ra một lần là xong và gửi luôn cho toà báo. Theo quy định của báo là bài lai cảo phải viết trên một mặt giấy sạch sẽ. Còn bài thơ nét chữ bút chì này lại viết trên cả hai mặt giấy. Nhưng bài thơ đã khiến ông xúc động lạ thường, đó là bài "Hai sắc hoa ti gôn" của T.T.Kh.
Và ông đã ngồi lặng đi trong mối rung cảm đặc biệt. Rồi ông bước vội đến đưa bài thơ cho Trúc Khê, yêu cầu đọc ngay. Trúc Khê thấy ông đang quá xúc động, cũng bỏ bút, cầm đọc bài thơ. Và Trúc Khê cũng ngồi lặng đi, rồi đọc lại lần nữa. Ông già Trúc Khê vỗ tay xuống bàn, nói với ông: “Sao lại có bài thơ tuyệt đến thế này...!”.
Rồi ngay sau đó, Ngọc Giao gọi ông cai thợ sắp chữ nhà in lên, bảo sắp chữ ngay bài thơ ấy cho số báo sắp ra. Vậy là "Hai sắc hoa ti gôn" đi vào đời sống thơ ca Việt Nam...". (Trích dẫn Báo Nông Nghiệp Việt Nam số thứ tư  28-12-2011, trang 13, mục hỏi gì đáp nấy của GS. Nguyễn Lân Dũng).
Kể câu chuyện tâm sự hơn sáu mươi năm cũ, nhà văn Ngọc Giao còn ghi vào cuốn sổ lưu niệm của một người bạn văn cùng thời: Phạm Văn Kỳ, cũng từng làm thư ký tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ năm. Những dòng Ngọc Giao ghi vào lưu bút của Phạm Văn Kỳ là: "…Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ rơi sọt rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi làm ăn cẩu thả, sơ suất bấy nhiêu… Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu rĩ đó, thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác... thì đóa hải đường "Hai sắc hoa ti gôn" đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi, theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt tất cả… Trong đó, rất có thể cả những áng văn hay mà cái anh thư ký tòa soạn quan liêu nhác lười, cẩu thả đã ném đi!”
Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết. Giới văn nghệ xôn xao. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa. Bài thơ này có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến. Bài này được đăng trên số báo ngày 20/11/1937. Và một năm sau nữa, tòa soạn nhận thêm bài Bài thơ cuối cùng . Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30/10/1938.
Từ đó, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại, có một bài thơ cũng ký tên T.T.Kh gửi đến một tờ báo khác. Đó là Bài thơ đan áo.
Những bài thơ mang tên T.T.Kh đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao giờ xuất hiện ở đâu nữa. Không ai biết một chút gì về con người bí ẩn này. Nghi án văn học T.T.Kh từ đó bắt đầu... (Theo Việt Báo)
Nói thêm về nhà văn Thanh Châu với truyện ngắn “Hoa ti-gôn” người đời cho nó là nguyên cớ làm xuất hiện bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh, một nữ thi sĩ (?) mà đến nay chưa xác định được là ai. Đó là một ẩn số trong lịch sử thi ca thời Thơ mới  (1932-1945).
Ít người biết nhà văn Thanh Châu còn làm thơ. Bài thơ ông làm lúc cuối đời là một di chúc bằng thơ như sau:
Đề bia mộ người viết truyện
     Mong cỏ nội
Xoá đi ngàn chuyện dở
     Để trên mồ
Con dế đẫm sương kia
     Vẫn thay mình
Kể đẹp chuyện đêm khuya.
Mộ nhà văn được xây ở một nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, người ta thấy xuất hiện bên bia mộ một con dế mèn bằng đá trắng, dài khoảng nửa mét mà thân nhân nhà văn không hề biết tác giả là ai. Chắc chắn phải là một người yêu văn học, trân trọng nhà văn (nằm trong số ít người biết bài thơ trên) mới kỳ khu làm chuyện lạ như vậy ! Thế là khi đã qua đời, nhà văn Thanh Châu vẫn còn “tạo” thêm một ẩn số nhỏ.
Trong số bạn văn, có người bàn: Sau này bên mộ tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đặt bức tượng nầy mới thích hợp. Nhưng nhà văn là người sáng tạo cái mới, hẳn không thích cái gì lặp lại.

     (Theo Những người…”rót biển vào chai” của Vân Long, NXB Phụ nữ 12/2009)

Bài thơ: Hai sắc hoa ti gôn
tác giả: T.T.Kh

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn, 
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc, 
Tôi chờ người đến với yêu đương.   

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng 
Dải đường xa vút bóng chiều phong, 
Và phương trời thẳm mờ sương, cát, 
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.    

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 
Thở dài trong lúc thấy tôi vui, 
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ, 
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!" 

Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly, 
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng 
Là chút lòng trong chẳng biến suy"    

Đâu biết lần đi một lỡ làng, 
Dưới trời đau khổ chết yêu đương. 
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm, 
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...   

Từ đấy, thu rồi, thu lại thu, 
Lòng tôi còn giá đến bao giờ 
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ... 
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ. 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi, 
Mà từng thu chết, từng thu chết, 
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".  
  
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết 
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa 
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ. 
Và đỏ như màu máu thắm pha! 

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi... 
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã, 
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!    

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ, 
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu 
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng, 
Người ấy sang sông đứng ngóng đò. 

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không? 
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ 
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Ngô Chí Trung
(sưu tầm và tổng hợp)