Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

CHẠNH LÒNG BÙI KIỆM

(Chuyện phiếm)
Trời đã tối muộn.

Mà hôm nay cảm giác trong người là lạ làm sao! Đầu óc cứ ngây ngây phiêu diêu. Có lẽ do vừa đi dự tiệc mừng tuổi bảy mươi của anh bạn thân về. Mà tôi có uống rượu nhiều đâu, chỉ dùng khoảng ba lon bia thôi. Lạ quá!

Ngoài kia trời đêm cũng khang khác, trăng thượng tuần tỏa một thứ ánh sáng lờ mờ bàng bạc như màn sương huyền hoặc.

Đầu ngõ thấp thoáng một bóng đen đang đi vào. Quái! Vị khách nào đến nhà lúc đêm hôm khuya khoắt này! Vừa dụi mắt đã thấy người lạ đứng trước cửa. Vị khách đầu đội khăn đóng, áo dài đen kiểu quốc phục truyền thống, người tầm thước, trạc tuổi trung niên. Tôi cất tiếng chào:

- Chào ông. Ông tìm ai vào giờ này?

Vị khách ôn tồn trả lời:

- Chào chú em. Xin lỗi vì sự đường đột. Ta là Bùi Kiệm, tình cờ đi qua đây, nghe tiếng chú là người từng đọc sách, ít nhiều hiểu biết lẽ đời, nên mạo muội ghé thăm. Trước là làm quen, sau xin được tỏ bày đôi điều tâm sự.

- Vậy mời vào nhà. Thì ra ông là nhân vật trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu ở thế kỷ mười chín. Nếu phân theo thứ bậc, tôi phải gọi ông là ông cố, ông sơ mới phải đạo.

- Ấy, đừng! Những nhân vật như ta thì bất biến theo thời gian. Chú cứ gọi ta là anh cho tiện trong xưng hô với nhau vậy.

- Rất hân hạnh, xin được gọi là anh Bùi . Thế thì… anh Bùi có điều chi muốn nói?

- Trước tiên, ta mượn ý mấy câu thơ của Trung niên thi sỹ Bùi Giáng – người cùng họ Bùi – để khái quát tâm sự của mình: “Ta về hai thế kỷ sau/ nhìn trăng vẫn thấy nguyên màu cổ sơ/ Ta về lòng những bơ vơ/ Tình ngay dạ thẳng, đời ngờ rằng gian”. Người đời đối xử với ta không công bằng. Oan cho ta lắm chú à!

- Chuyện của anh, Cụ Đồ Chiểu đã ghi rõ trong tác phẩm Lục Vân Tiên, giấy trắng mực đen rõ ràng đấy, mà anh Bùi kêu oan nỗi gì?

- Chú bình tĩnh nghe ta tỏ bày hai việc. Một là tài học của ta chỉ thua Vân Tiên với Tử Trực. Ta đi thi lần đầu đã đậu bằng cử nhân, mà ta đâu có chạy chọt mua điểm, mua bằng. Vậy mà thời nay, những kẻ học dốt thì bị người đời mắng nhiếc là dốt như Bùi Kiệm. Chú xem, có phải oan cho ta không?

- Nghe anh Bùi nói cũng chí phải. Còn tâm sự thứ hai của anh là gì?

- Đây chính là nỗi niềm ray rứt trong đời ta. Ta yêu Nguyệt Nga bằng tấm lòng quang minh chính trực. Ta không dâm ô, cưõng ép nàng. Nói có cụ Đồ làm chứng, khi nàng đi lạc vào vườn hoa nhà ta, cha ta là Bùi Công đã: “… mừng rước vào nhà/ Thay xiêm đổi áo nuôi mà làm con”.

Nàng chịu ơn cứu mạng của nhà ta, nhưng Bùi Kiệm ta không hề lợi dụng ưu thế đó để chiếm đoạt nàng, vẫn một mực thương yêu tôn trọng, dùng lời nói với nàng bằng " điển tích " và phân trần phải trái để chinh phục nàng một cách kiên trì bền bĩ:

-Hay chi như sãi ở chùa
Một gian cửa khép bốn mùa lạnh tanh

.........
- Sao nàng chẳng nghĩ trước sau
Cứ ôm bức tượng bấy lâu thiệt mình


Còn cha ta chỉ khuyên nhủ:

Chữ rằng xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn
Làm chi thiệt phận hồng nhan


Hai cha con ta khuyên nhủ dỗ dành chứ hoàn toàn không ép buộc, đe doạ.

Thực ra, thời điềm ấy Nguyệt Nga vơ vào vậy thôi chứ nàng với Vân Tiên chưa một lời hẹn ước thì đâu phải là vợ chồng. Còn ta thì cũng ngỡ là Vân Tiên đã chết.

Nguyệt Nga lấy chữ thuỷ chung làm đầu, và ông Nguyễn Đình Chiểu lấy khuôn phép đó để tôn vinh. Chứ nàng đâu phải dạng vừa: Được cha ta nuôi dưỡng, Bùi Kiệm ta tôn trọng, thế mà trước khi trốn còn lừa nhà ta lập đàn tế lễ Vân Tiên:
 
Tôi xin gửi lại lời này
Hãy từ chầm chậm sẽ vầy nhân duyên
Tôi xin lạy tạ Vân Tiên
Làm chay bảy bữa cho toàn thuỷ chung


Thế là hai cha con ta vốn trọng lễ nghĩa và biết điều đã vui mừng :

Cha con nghe nói mừng lòng
Dọn nhà sắm sửa đủ đồng cho xuê


và : cỗ bàn bát bửu chỉnh tề chưng ra

Nàng ta cúng chồng than khóc chồng rồi đề thơ dán tường và cao chạy xa bay. Trước khi đi nàng chỉ nói: "Thưa rằng người có công nuôi bấy chầy", nói chừng đó thôi chứ hổng cảm ơn luôn, thế mà được khen lấy khen đễ.

Còn Bùi Kiệm ta chẳng làm gì sai mà bị thiên hạ chê bai khinh bĩ :

Còn thằng Bùi Kiệm máu dê
Ngồi trơ bộ mặt như dề thịt trâu


Vậy đó, chú bình tâm soi xét lại giùm ta đi! Ta không hề " dê " một tí nào. Ta đâu phải như Hữu Linh, Khắc Thuỷ, ... đời nay. Ta cũng đâu có chạy điểm, mua bằng kiểu như ở mấy tỉnh… gì gì đó.

Thế mà miệng lưỡi người đời bị cụ Nguyễn Đình Chiểu "định hướng" đã biến danh từ chung thành tính từ " Thằng đó bùi kiệm lắm " y như “thằng đó học dốt lắm”,thằng đó dê xồm lắm".  Ôi! Đời không công bằng với ta. Bất công quá! Oan cho ta lắm!

Nói xong, Bùi Kiệm vụt đứng phắt dậy bước nhanh ra cửa không một lời từ biệt. Tôi vừa đứng lên, bất chợt có cơn gió lạnh thổi tạt vào làm tôi giật bắn người.

Thì ra, tôi vừa trải qua một giấc mơ.

Bên ngoài, trời đang chuyển mưa. Ánh trăng vẫn lờ mờ bàng bạc.

Đồng hồ đã quá mười hai giờ. Tôi xé tờ lịch, thêm một ngày mới, đã sang ngày mười hai tháng bảy âm lịch. Chỉ còn mấy ngày nữa là rằm tháng bảy – ngày xá tội vong nhân.

Trong tiếng gió đêm vi vút, văng vẳng bên tai lời nói: Bất công quá! Oan cho ta lắm! Nghe mà chạnh lòng cho anh Bùi Kiệm.

Ngô Chí Trung
  12-8-2019


P/S: trên đây chỉ là ghi lại lời nói của anh Bùi. Người viết không có ý bênh vực cho Bùi Kiệm. Nếu quý bạn có ý kiến phê bình, phản biện trên tinh thần xây dựng thì cứ nêu lên, để trên đường mơ màng mộng mị chiêm bao xuôi ngược có gặp lại anh Bùi, người viết sẽ báo cáo lại cho anh Bùi biết để rộng đường dư luận.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét