Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Nhìn lại loạt bài: “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”

 Báo Người Lao Động

13-03-2008 - 12:00 PM|Thời sự trong nước

 

(NLĐO)- Sau khi phát phần đầu bài viết: Nhìn lại loạt bài: “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động” đã được đông đảo bạn đọc và dư luận xã hội quan tâm, TTXVN trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần tiếp theo bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Việt:

Hiện tượng “Việt ca” được Lưu Hướng chép lại trong Thuyết Uyển thời Tây Hán muộn (thế kỷ 1 trước Công nguyên) quả là một tư liệu rất quý, nó đã được rất nhiều người nghiên cứu tiếp sau Quách Mạt Nhược. Lưu Hướng đã kể lại câu chuyện một viên quan người Hồ Bắc (nước Sở) đi chơi thuyền với một hoàng tử con thứ ba của vua Sở Công Vương (590 – 560 trước Công nguyên) đã ghi lại lời ca của người chèo thuyền tộc người Bangxie vốn là một nhánh của người Việt cổ ở vùng này. Đó là trường hợp hiếm có còn lưu lại ngữ âm Việt cổ được chép lại bằng chữ Hán. Có thể ban đầu nó đã được ghi lại bằng chữ Sở (?) hoặc được truyền khẩu rồi mới được dịch ra chữ Hán vào thời Lưu Hướng. Tôi tin rằng với tầm học rộng, uyên thâm của mình, thiền sư Lê Mạnh Thát (LMT) sẽ có những phát hiện thú vị khi ông đã dày công nghiên cứu “Việt Ca”. Gần đây, Wei Qingwen đã khảo cứu kỹ “Việt Ca” trong công trình :“Bàn về ngôn ngữ của người Bách Việt”, trong đó ông đã phát hiện sự gần gũi của ngữ âm trong Việt Ca với ngữ âm của người Việt vùng Giang Hán và đi đến kết luận đó là bài ca của người Việt vùng Giang Hán, tổ tiên của người Choang và Thái hiện nay. Bài Việt Ca này cũng đã được dịch. Tôi sẽ dành một dịp khác trình bày kỹ hơn về vấn đề này. Như vậy, “Việt Ca” sẽ giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu tộc Việt chung mà Lạc Việt chỉ là một bộ phận ở về phía Đông Nam của khối lớn đó, nhưng nó hoàn toàn không liên quan trực tiếp với nhà nước Hùng Vương. Tuy nhiên, thiền sư LMT vẫn coi “Việt Ca” như một cơ sở quan trọng để minh chứng cho nền văn hiến Hùng Vương của mình. Những hiện tượng phân tích và xử lý tư liệu lịch sử như trên của thiền sư LMT còn xảy ra ở rất nhiều chỗ. Đáng tiếc là cách làm thiếu chuyên nghiệp như vậy lại đã rất thuyết phục nhà báo Hoàng Hải Vân (HHV) để rồi nhà báo lại hùng hồn thuyết phục lại người đọc, trích lời thiền sư thoá mạ các sử gia tiền bối bằng lợi thế của những đầu đề giật gân trên một tờ báo vốn từng rất có uy tín và có nhiều bạn đọc :“ Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó... Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói!" (TN 3.3.08). 

Tư liệu lịch sử và sự thực lịch sử

Đã là nhà sử học thật sự ai cũng biết giữa tư liệu lịch sử và sự thật lịch sử bao giờ cũng có một khoảng cách. Vì vậy, mới cần có “nghiên cứu lịch sử”. Chính thiền sư LMT cũng cảm nhận như vậy khi ông mổ sẻ phê phán sử liệu Ngô Sĩ Liên, thậm chí cả Hậu Hán Thư... Ông cũng đã phát hiện ra các khoảng trống trong tư liệu lịch sử thành văn về hiện tượng Âu Lạc và An Dương Vương đồng thời giả thuyết hiện tượng Phật thoại hoá quan hệ Hùng Thục qua hình tượng các vị thần trong thần thoại Ấn Độ từ tư liệu trong Lục Độ tập kinh xuất hiện vào thế kỷ 2 sau Công nguyên. Tuy nhiên, theo kể lể của nhà báo HHV, thì thấy ông đã bám rất sát và gần như không dám phê phán nguồn tư liệu của bộ kinh phật này. Thực tế, mọi cuốn sử cổ đều có một tỷ lệ rất cao là ghi chép lại những sự kiện được lưu truyền lại trong dân gian. Ngay cả Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng vậy. Sự gần gũi của những ghi chép đó với sự thực là bao nhiêu tuỳ thuộc vào hiểu biết và phân tích của nhà chép sử lúc đó. Vì vậy, sách sử ghi chép về những thời xa xưa chỉ phản ánh một lịch sử truyền miệng dưới dạng sử thi, mo, then... chúng chỉ có giá trị tham khảo. Tư liệu khảo cổ học đương đại đối với những thời xa xưa như vậy mang ý nghĩa quyết định hơn nhiều. Tuy nhiên, dường như quá say sưa với phát hiện mới trong Lục độ tập kinh, lại chỉ tin vào vốn đọc rộng hiểu sâu của mình, thiền sư LMT không nhận thấy những khiếm khuyết tự nhiên về phương pháp luận sử học, từ đó đã dẫn đến những kết luận vội vàng và không chặt chẽ. Điều này cũng thường xảy ra, nhưng nếu những nhận xét đó chỉ dừng lại trong phạm vi trao đổi học thuật hoặc câu chuyện nội bộ thì không sao. Đáng tiếc lần này, chúng lại được một nhà báo không có chuyên môn sâu về khoa học lịch sử, lại nhân danh “yêu nước” đến mức mất cả sự tỉnh táo, tạo nên một chấn động xã hội với những đầu đề rợn người như :“Với những khám phá của ông chúng ta có đủ tư liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước“ (TN 26.2.08). Không biết thiền sư LMT có được đọc những dòng này trước khi đăng báo hay không và ông nghĩ gì về những lời lẽ như vậy. Chúng ta có thể thừa nhận, Lục độ tạp kinh là một văn bản cổ rất có giá trị. Nhưng nó không đại diện và thay thế được lịch sử. Những nhà truyền đạo đương thời đã ghi chép lại những sự tích xảy ra từ vài trăm năm trước, thậm chí cả truyền thuyết hoang đường (truyện trăm trứng có ở nhiều dân tộc Đông Nam Á) dưới dạng huyền thoại. Chẳng lẽ chỉ dựa vào đó và sự không ghi chép trong một số sách sử như Sử Ký, Hậu hán Thư để hô hào : “Dứt khoát loại bỏ truyền thuyết An Dương Vương và nước Nam Việt của Triệu Đà ra khỏi nước ta” (TN 28.2.08). Thiền sư LMT và nhà báo HHV có theo dõi kết quả các cuộc khai quật và các hội thảo khoa học gần đây nhất tại Cổ Loa không ?. Có biết phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Cổ Loa và cả đồ đồng, đồ gốm đào được ở Quảng Châu thời Hán đều có khắc tên huyện Tây Vu mà thủ lĩnh là con cháu Thục Phán An Dương Vương không?. Tại sao lại có đền An Dương Vương ở Cổ Loa ( Hà Nội), Sầm Sơn ( Thanh Hoá)... đền Triệu Đà ở Văn Giang (Hưng Yên), Đồng Xâm (Thái Bình)?. Việc khẳng định và làm rõ những điều đó cũng không phải là dễ, nhưng sao lại dễ dàng đến như vậy, khi chỉ bằng chừng ấy chứng cớ để “dứt khoát loại bỏ” An Dương Vương và Triệu Đà ra khỏi lịch sử nước ta. Là những người làm sử, chúng ta đều rất cần đức tính tôn trọng sự thực lịch sử, nhưng lịch sử nào cũng cần phải được nghiên cứu và chứng minh một cách thận trọng. Nhất là lịch sử những vấn đề trọng đại và nhậy cảm như vấn đề Âu Lạc và An Dương Vương.

B.T.T

 

Đăng lại từ địa chỉ:

https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhin-lai-loat-bai-thien-su-le-manh-that-va-nhung-phat-hien-lich-su-chan-dong-217848.htm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét