Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

PHIẾM LUẬN THÁNG TƯ



Vừa qua, trên cộng đồng mạng ồn ào vụ ông Phan Hoàng – Phó chủ tịch Hội nhà văn TP. HCM cho rằng thơ trên facebook là thơ rác. Tôi chẳng quan tâm tới điều này nên không đưa lên trang facebook cá nhân. Bởi lẽ trong giây phút bốc đồng lộng ngôn, ông đã chuốc lấy vạ miệng và đã bị cộng đồng mạng tơi bời ném đá.

Trong lĩnh vực văn thơ, không có khái niệm văn rác, thơ rác  mà chỉ có văn thơ thích đọc hoặc không thích đọc. Mỗi người đều có ý thích riêng. Không ai có thể áp đặt ý thích của mình lên người khác, bắt buộc người ta phải có sở thích giống y như mình và ngược lại. Riêng tôi, tôi thích thể thơ truyền thống, thơ mới, đặc biệt là thơ lục bát. Tôi cho rằng đã là thơ thì phải khác văn xuôi, thơ phải có vần, có âm điệu. Tôi cũng từng đọc thể loại thơ mà người ta cho là thơ cách tân, thơ hiện đại, hậu hiện đại, thơ siêu thực… gì gì đó, tôi thấy hầu hết giống như văn xuôi rồi ngắt câu xuống dòng tùy tiện và cho đó là thơ, thậm chí còn được giải thưởng này nọ. Nói thật, tôi không đủ trình độ để cảm thụ loại thơ này nên không thích đọc. Mà đã không thích đọc thì không thèm đọc làm gì cho mất thời gian chứ tôi không gọi kiểu cái gọi là thơ như ông Phan Hoàng làm là…  thơ rác.

Tôi từng đọc hai tập văn xuôi tẻ nhạt năng xuống dòng một cách dễ dãi được gọi là “tập thơ” đạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Đó là “Hoan ca” của tác giả Đỗ Doãn Phương và “Bầu trời không mái che” của tác giả Mai Văn Phấn. Vì không đủ trình độ để bình luận (mà cũng không dám bình luận) nên xin trích dẫn bài viết sau đây của nhà thơ Trần Mạnh Hảo để các bạn cùng tham khảo và nhận xét:

Hội Nhà văn Việt Nam tiễn thi ca lên đoạn đầu dài
(Nhân đọc hai tập thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010- 2011) 

Trần Mạnh Hảo

Chúng tôi sẽ không bàn đến hai tác giả trên và hai tập thơ trên, nếu nó không nhận được sự tôn vinh của Hội Nhà văn Việt Nam cho hai tập thơ được cho là hay nhất năm 2010 - 2011 .

Chúng tôi cũng xin nói qua về vụ cách tân thơ. Thơ là nghệ thuật của mọi người. Họ chơi thơ để tỏ bày tâm sự, để giải thoát tinh thần, bất kể hay dở. Trong đỉnh cao của nghề nghiệp, thơ nói cho cùng là nghệ thuật của những người có tài; kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không thể có thơ hay. Trong cuộc chơi thơ của muôn người, bất tài không phải là cái tội. Tội lớn nhất là đánh tráo sự bất tài thành thiên tài trong các bài phê bình kiểu “lợi ích nhóm” để lừa lớp trẻ.

Thơ là nghệ thuật của cái đẹp.Thơ sinh ra không phải để dễ hiểu hay khó hiểu mà để truyền cảm, làm xúc động lòng người. Có nhiều người đang được dư luận (dỏm) tôn vinh là lá cờ đầu lá cờ cuối cách tân thơ đưa ra tiêu chí : dùng cái hiểu thưởng thức thơ là giết thơ. Họ phán : trường phái cách tân thơ hiện đại của chúng tôi dùng vô thức để làm thơ, thì người thưởng ngoạn hay nhà phê bình cũng cần dùng vô thức để tiếp nhận thơ.

Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” ( NXB Văn hóa Thông tin 1999 trang 1827) định nghĩa: “vô thức : ngoài ý thức của con người, trạng thái vô thức, hành động vô thức” .Nếu không có sự hiểu, hiểu biết, nhận biết, tức ý thức thì không còn là con người nữa, vì con người là con vật tự ý thức. Họ phán, chúng tôi làm thơ bằng vô thức, các ông lại lấy ý thức ra để phê bình thơ chúng tôi theo kiểu ông nói gà bà nói thóc lép là đánh tráo khái niệm?!

Thưa các quý ngài CÁCH TÂN THƠ đang làm kinh hãi thi đàn, hóa ra quý vị làm thơ trong giấc ngủ ư ? Nhưng sau khi quý vị thức dậy, không phải vô thức mà chính ý thức mách bảo với quý vị nhớ lại bài thơ quý vị viết trong giấc ngủ. Nhớ lại bài thơ viết trong lúc ngủ chính là một hành vi ý thức đấy. Rồi quý vị cầm lấy bút, viết lên giấy cái bài thơ được sinh ra bằng giấc mơ (khiếp thật) thì quả là các vị đã nằm trong vòm sinh quyển của ý thức mất rồi. Nói tôi làm thơ bằng vô thức chung quy là một cách nói bịp bợm.

Đến đây thầy trò trường phái cách tân thơ vô thức kia bèn phán : chúng tôi mần thơ bằng cái vô thức của bác sĩ phân tâm học người Áo S.Freud cơ, không phải món vô thức theo định nghĩa thông thường của từ điển (!) Đến đây thì rắc rối to rồi. Hãy nghe qua định nghĩa phân tâm học theo từ điển :“Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”: “Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Phân tâm học chuyên sâu nghiên cứu về con người. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (E: id;F:Le Ca; G:das Es), cái tôi (E: Ego;F:Le Moi; G:das Ich) và cái siêu tôi (E:Super ego;F: Le Surmoi; G:das Über-Ich). Trong đó nói rõ con nguời luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó”

Vậy, khi làm thơ, qúy vị cách tân thơ cực đoan kia dùng món CÁI ẤY (id) hay CÁI TÔI ( Ego) hay CÁI SIÊU TÔI ( Super ego) để sáng tác thơ đây ? Vướng vào thiên la địa võng này của S.Freud,  quý vị sẽ phải trút hết linh hồn vào khoa học phân tích tâm lý con người, còn hồn vía đâu cho thi ca cất cánh ? Mà ngay như S.Freud cũng phải dùng khoa học phân tích tâm lý, tức là dùng ý thức để phát hiện ra khái niệm vô thức này. Đằng nào thì qúy vị cũng không thoát khỏi được vòng kim cô ý thức trong sáng tạo thi ca, nên đừng đưa vô thức với vô chiêu, vô lối, vô ngôn, vô nghĩa ra để dọa người yếu bóng vía khi đọc thơ các vị.

Nói tóm lại, cách tân thơ là một việc làm chân chính, cần có, vốn có. Nhưng cách tân sao thì cách, xin đừng cách …cái mạng thi ca. Nghĩa là, cách tân thơ không phải mục đích cuối cùng của thơ. Mục đích của thi ca là truyền cảm, làm rung động lòng người. Muốn vậy thì thơ trước hết và sau cùng phải hay !

Bạn ơi, bạn cứ làm cho thơ hay, chính là bạn đã cách tân thơ thành công rồi đó. Còn bạn cách tân thơ theo kiểu ú ớ, ngô nghê, phi…ngữ nghĩa, phi…xúc cảm, phi… lý tính thì xin lỗi bạn chỉ sản xuất ra một trời thơ dở. Mà thơ đã dở thì có đeo một trăm cái mặt nạ cách tân cũng không cứu nổi thơ ca.

Hãy thử lấy Thơ Mới 1930-1945 xét xem những nhà thơ hàng đầu thưở ấy lấy cách tân làm mục đích hay lấy thơ hay làm mục đích? Một nhà thơ được cho là Tây nhất thời đó là Xuân Diệu, tức cách tân hàng đầu, thì bài thơ hay nhất của ông là bài “Nguyệt cầm” lại viết theo thể thơ bảy chữ đã cũ. Hàn Mạc Tử, nhà cách tân thơ hàng đầu cũng trưng ra bài thơ hay nhất là bài “ Đây thôn Vĩ Dạ” cũng là bài thơ làm theo hơi thơ thất ngôn mà các tiển bối từng làm. Thâm Tâm viết được bài “ Tống biệt hành” được cho là hay nhất thơ tiền chiến lại cũng dùng hình thức rất cũ của thể hành xưa. Huy Cận, Nguyễn Bính…hai nhà thơ hàng đầu của Thơ Mới lại đóng góp bằng hàng chục bài thơ hay hàng kiệt tác chỉ bằng thể thơ thất ngôn cũ và lục bát rất cũ.

Trong thời 1930- 1945, nhóm Xuân Thu nhã tập, nhóm Dạ Đài tuy có những đóng góp cho thơ không thể phủ nhận, nhưng thể thơ không vần của họ mới chỉ là thí nghiệm chưa thành công vì nó chưa hay. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi mê cuồng thí nghiệm thơ không vần xuýt bị đi tù. Ông bị các nhà thơ đỏ tươi như Tố Hữu, hay vừa được đỏ hóa như Lưu Trọng Lư dùng lời của Platon xưa để toan đuổi Nguyễn Đình Thi ra khỏi nền thơ kháng chiến vì dám cả gan làm một thứ thơ rất phản động là thơ không vần. Tuy nhiên những bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi chỉ mới ở dạng cách tân, dạng thể nghiệm vì nó chưa hay. Mà chưa thành công thì chưa cắm được ngọn cờ đổi mới thơ.

Người cắm được ngọn cờ cách tân thơ sau sự cách tân của Thơ Mới là nhà thơ Văn Cao (nhạc sĩ) , với hai bài thơ kiệt xuất : Ngoại ô mùa đông 1946 và trường ca Những người trên cửa biển viết vào mùa xuân 1956. Cùng thời với Văn Cao, Trần Mai Ninh với hai bài thơ khá hay là bài “ Tình sông núi” và bài “ Nhớ máu” đã cùng Văn Cao xác lập cuộc cách tân thơ ngoạn mục.

Quả thực, làm thơ tự do không vần rất khó hay. Tuy nhiên có nhiều nhà thơ sau Văn Cao, Trần Mai Ninh đã có những bài thơ không vần rất hay như “Tiếng chuông Thiên Mụ” của Nhã Ca, “Bài thơ của một người yêu nườc mình” của Trần Vàng Sao, một số đoạn thơ khá hay rải rác trong thơ Thanh Tâm Tuyền, “ Đêm trên Cát” của Thanh Thảo. Xín quý vị đọc bài thơ tự do không vần rất hay của Lò Ngân Sủn :

NGƯỜI ĐẸP
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát
Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói
Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết
Gặp người đẹp 
                       lại không muốn chết nữa 
                                  
                                                Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người.


Bài thơ “Người đẹp” của Lò Ngân Sủn đã in trên báo từ gần ba mươi năm . Đây là một bài thơ cách tân hơn mọi cách tân; đây là một bài thơ tình, theo chúng tôi là hay vào hàng bậc nhất của thơ tình trong và ngoài nước. Nhà thơ đã viết bài thơ không vần này bằng tài năng đích thực của mình. Bài thơ hiện đại, cực hay vì nó có tứ lớn, giản dị, câu hay, rất mới lạ. Cách đây gần ba mươi năm, sau khi chúng tôi (TMH) phát hiện ra bài thơ này tham gia cuộc thi thơ của báo “ Văn nghệ TP.HCM” nhưng không được giải, bèn viết bài bình thơ, ca ngợi bài thơ hay như một kiệt tác. Theo anh Lò Ngân Sủn cho biết, bài thơ đã in trên mấy tờ báo ở Hà Nội nhưng không ai để ý; chỉ khi xuất hiện bài bình bài thơ này, thì “Người đẹp” của Lò Ngân Sủng mới được mọi người ca ngợi.

Trong ba chục năm viết phê bình văn học, chúng tôi luôn luôn ủng hộ nhiệt thành những thành tựu cách tân thơ của lớp trẻ; ví như hiện tượng cách tân thơ rất thành công của thi sĩ trẻ bạc mệnh Lãng Thanh. Năm ngoái 2011, nhân ngày giỗ lần thứ chín của Lãng Thanh, một người bạn của anh trong nhóm “Chí Tâm” đã tung lên mạng bài viết của chúng tôi: “Lãng Thanh : gương mặt em phi như điên cuồng” từ năm 2003 ca ngợi một thi tài đổi mới thi ca rất thành công.

Còn đây là thơ của của Đỗ Doãn Phương, người vừa được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng thơ năm 2011 cho tập «  Hoan ca-NXB hỘI NHÀ VĂN 2011), bài thơ đầu tiên của tập :

GIÁC NGỘ

Trong đêm, giữa giấc ngủ sâu, lóe sáng
Một ý phát xuất
Kim đồng hồ chết giấc
Ta thấy rạng sáng cả căn nhà
Rạng sáng toàn thân
Từ đỉnh tóc tới móng chân thông suốt
Ta ngồi dậy trang nghiêm nhìn
Đứa bé đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy
Ta điểm lại các việc như trước chuyến đi 
cuối cùng

Và chờ khoảnh khắc
Sang một con người khác!»


Bài này không phải là thơ vì nó không có cảm xúc, không có sự hàm súc, dư ba, thiếu sự truyền cảm, chỉ là những câu văn xuôi thông thường lạnh lùng nói toẹt ra theo ngôn ngữ giao tế thông thường. Có vẻ như câu cuối cùng là thơ chăng: «Và chờ một khoảng khắc ? sang một con người khác » ?

Câu này chỉ là câu lặp lại của muôn người khác. Đức Phật đã phán: «dòng nước sông Hằng phút trước và phút sau đã khác nhau. Ta của ngày hôm qua đã khác với ta của ngày hôm nay ». Chế Lan Viên viết theo ý này, vẫn có câu thơ rất hay về phút giao thừa: «Mùi hương năm cũ/ Giọt sương năm mới/ Còn nằm chung hoa». Xuân Diệu cũng lấy ý tứ này của Phật vẫn viết ra câu thơ thật hay: «Cái bay đang đuổi cái trôi/ Từ tôi phút ấy sang tôi phút này»...

Viết ra một thứ phi thơ kiểu Đỗ Doãn Phương, kẻ mọn là người viết bài này có thể ngồi ngoáy một ngày cả trăm bài. Mô phỏng thơ Đỗ Doãn Phương, chúng tôi ( TMH) xin ngoáy ra thử một bài gọi là trường thơ được giải, trực tiếp trên máy vi tính:

« CÕI LẶNG
Giữa ngày, trong thức ban ngày, lặng im
Một giấc mơ xuất hiện
Ban ngày phi thời gian

Ta thấy im lặng trùm vũ trụ
Im lặng cả lục phủ ngũ tạng
Từ mắt tới móng chân út đều im im
Ta đi lại run run lắng nghe
Con kiến xinh tươi và con thằn lằn cũng rứa
Ta hồi tưởng lại sự im lặng đời mình
Trước hết

Và ta chờ đợi tiếng động của bọn xe cộ
Dể sang một sự im lặng khác»


Cả tập «  Hoan ca » được mạo nhận là thơ của Đỗ Doãn Phương đều được viết với sự dễ dãi, giả ngô giả ngọng, ú ớ, phi hàm xúc, phi thơ, phi cấu tứ, toàn những câu văn xuôi lạnh lùng không biểu cảm như vậy. Chúng tôi xin trích một nửa bài «Bóng hình» trang 76 của tập thơ này để quý vị xem nó có phải là thơ không:

BÓNG HÌNH

Sực ngoảnh lại đã chín năm
Mà thời gian còn trôi nữa

Đã đi lên núi cao
Đã đi ra biển lớn
Lên gác chuông vắng vẻ nhà chùa
Chìm vào ồn ào cửa chợ

Đã qua những ngày cùng tháng tận
Cuối năm âm đầu năm dương
Tháng thừa thiếu bù nhau, ngày đông hạ đổi chỗ
Mà nhìn đâu cũng ứa nước mắt
Thấy hình bóng đi theo

Nhìn phía trước là mười năm
Mà thời gian còn trôi nữa »


Phỏng theo thể thơ phi thơ này, chúng tôi xin ngoáy ngay một bài theo phong cách văn xuôi dễ dãi phi hình tượng, phi hàm xúc, tẻ nhạt, ấm ớ  Đỗ Doãn Phương :

TÂM THÂN
Ngoảnh lại hai ba năm qua

Thấy tâm mình còn đi theo thân mình

Ta đã đi qua nhà ai
Ta đã bước qua nhà con kiến
Ta lên tới tận tóc của núi
Chìm vào mi mắt thời gian

Ta đã qua đời con chim trú đông
Tháng này là tháng hai, không phải tháng năm
Ngày có mưa, ngày có nắng, đêm đi qua ngày tới liền
Nhìn đâu ta cũng thấy buồn dâng
Nhìn mãi phía trước không thấy tâm ta
Mà xác ta còn ngồi đây mần thơ ca hò vè sớm tối...


Hầu hết các bài được mạo nhận là thơ trong «Hoan ca» được viết với phong cách bông phèng phi thơ như thế.

Còn đây là thơ của Mai Văn Phấn trích trong tập thơ «Bầu trời không mái che» (NXB Hội nhà văn 2010) ; xin trích một đoạn đầu trong bài siêu dài của nhà thơ được giải thưởng Hội nhà văn VN  :

CỬA MẪU 

(trích từ bài thơ dài )

Mẫu nâng niu con ánh trăng
Tiếng chuyền cành tiếng hú
Da thịt con yêu trải sâu đêm tối
Dựng tầng mây mưa nguồn

Cành cây la đà mặt nước
Một con chim vừa đậu

Chỉ mình con thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường
Xa mảnh vườn những đàn chim khác
Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hương bầu trời mở đôi cánh
Ngọn cây vườn mỏ con chim
Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió
Tiếng hạt vỡ trong ngực
Bãi trống và quả xanh
Qua rừng sâu tán lá rậm rạp
....


Có trích cả nghìn câu văn xuôi tẻ nhạt xuống dòng liên tù tì này mạo nhận là thơ của tập thơ được giải thưởng của Mai Văn Phấn, cũng tịnh không tìm thấy một câu thơ hay đích thực. Chúng tôi, với tài hèn sức mọn, xin lỗi, nếu cần phải ngoáy nhanh hơn chuột chạy, trong một ngày, chúng tôi có thể ngoáy tới cả chục  tập thơ được giải na ná chất lượng như «  Bầu trời không mái che » này. Xin ứng tác luôn trên máy vi tính để thi thố «  tài năng » với Mai Văn Phấn bằng một thi pháp bông phèng của ông Phấn, như sau:


KHÉP LẠI 
Em khép lại, khép lại thời cuộc
Cá nhảy trên guốc dép
Môi mắt em muộn phiền con rắn mối
Sông đùn lên tình anh xanh xanh

Con mèo hoang bay lên từ buồn buồn
Bướm đậu lên râu cá trê phi
Khép lại, khép lại mặt trời sám  hối cũ
Ai đang mở ra mà ta khép lại ha ha
Có thiên lôi tình ái im phắc
Màu xanh đi trên đất chan chứa
Mở ra sự khép lại trinh nguyên...

(Hết thơ bắt chước Mai Văn Phấn)

Xin quý vị đọc tiếp đoạn cuối trường ca «NHỊP IX » của tập thơ Mai Văn Phấn viết rất kinh hãi như sau :

Những con sơn dương tràn xuống đồng bằng
Phía sau bụi tung, đá lở
Lao vun vút mũi tên
Dây cung bật lên phút chốc

Đây trời cỏ
Đại dương cỏ
Phơi phới lời sông hồ

Mũi tên xuôi gió về đích
Từng vạt cỏ bị bứt tỉa, đốn gục
Nghiền nát trong hàm răng sắc

Bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái cảm đêm đen
Bước bước sơn dương

Mặt cỏ phun nhuệ khí trùm lấp
Phấn khích giờ tạo thiên lập địa
Mùa mới đợi chờ cỏ xanh cắt sát gốc

Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng
Cỏ non kinh động
Càng chồi lên mở lại những chân trời »

( hết trích «thơ» Mai Văn Phấn)

Còn đây là «thơ» ứng tác viết liền của tác giả bài phê bình thơ này, mô phỏng thi pháp bông phèng Mai Văn Phấn:

MŨI TÊN EROS

Hắn chút chút rình rập vũ trụ
Hắn bắn ai là tình yêu tử thương
Mũi tên hắn ghê gớm hơn bom A bom H Bắc Triều Tiên
Hắn làm anh và em gục ngã ư ử
Ta rên xiết trong cơn động tình giãy chết

Em ơi em ơi đi đường nào cũng tiêu
Đi xuống địa ngục cũng gặp anh
Chết rồi hắn vẫn tìm hồn ta bắn tên
Chạy đi chạy đi như loài sơn dương trong thơ Mai Văn Phấn
Hắn be bé mà bay nhanh hơn tên lửa Tô-Ma-hốc
Nhưng không có hắn
Thế giới này buồn như con chuồn chuồn
Chúng ta hoan ca, tình ca, quỷ ca vì có hắn
Không ai rên xiết vì hạnh phúc
Nếu thế giới này thiếu hắn
Hắn là cỏ non, lúa mạch hay rượu nho ?
Không
Hắn là em và anh vừa hóa thân vào con rắn
Hắn là thần tình yêu, thấn chiến tranh của đôi lứa
Eros, em ơi, em ơi »

(hết thơ mô phỏng bút pháp tào lao của Mai Văn Phấn)

Nếu chê hai tập «Hoan ca» của Đỗ Doãn Phương và «Bầu trời không mái che» của Mai Văn Phấn vừa đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà văn VN  là hai tập thơ dở thì lời chê ấy lại hóa ra lời khen chúng. Vì hai tập văn xuôi tẻ nhạt năng xuống dòng, dễ dãi, tào lao, bông phèng kia có phải là thơ đâu...mà bảo nó là thơ dở ?

Cùng với hai tập thơ rất kém được vinh danh giải thường văn học Hồ Chí Minh 2012 vừa rồi, «Hoan ca» và «Bầu trời không mái che» phải chăng chính là dấu hiệu của công cuộc đẩy thi ca hiện đại Việt Nam lên đoạn đầu đài của Hội Nhà Văn Việt Nam?

Sài Gòn ngày 04-6-2012
T.M.H
(Hết trích)


Một thi hữu đã nói: “Bây giờ người ta chuộng thơ lập dị và kết nạp những tác giả lập dị vào Hội nhà văn. Còn thơ như chúng ta làm lâu nay bị cho là thơ mặt bằng , thơ dễ hiểu, thơ Hai Lúa, thơ rẻ tiền vv ...Thơ càng khó hiểu càng được cho là thơ hay !”. Vâng, đúng là bây giờ trên báo chí, trên các kệ sách trưng bày có những tập thơ trong đó có những bài thơ lập dị, khó hiểu mà tôi không thích đọc. Nhưng bài viết đến đây quá dài, xin trở lại đề tài thơ khó hiểu vào bài sau vậy…

Ngô Chí Trung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét