Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

LẠM BÀN VỀ THƠ DỄ HIỂU VÀ THƠ KHÓ HIỂU (Tiếp theo bài PHIẾM LUẬN THÁNG TƯ)

Dân Việt ta có truyền thống yêu thích thơ ca, nên có rất nhiều người làm thơ. Có thể nói là ra ngõ gặp nhà thơ. Nhà thơ Huy Trụ đã nói khá hay:
" Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau"
(Gửi bạn làm thơ)
Để rồi chính ông cũng trăn trở, nghĩ suy, những bài thơ mình làm, những tập thơ mình đã xuất bản có phải là thơ đích thực, hay đó chỉ là thứ "nước lọc" nhạt nhẽo mà người ta vẫn thường đưa ra "mời nhau". Người làm thơ thì nhiều, hàng đống tập thơ đã được in ra, nhưng kiếm cho được loại thơ "rượu của thế gian" ấy cũng đâu có dễ!

Hồi còn học phổ thông, tuổi học trò yêu thích thơ, tập tễnh làm thơ, tôi phục và sợ các nhà thơ tên tuổi, chỉ với thể loại thơ truyền thống rõ ràng, dễ hiểu mà chuyển tải cảm xúc đến với người đọc. Ta hãy nghe Xuân Diệu:
Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Hoặc như Tú Xương: “Lúc túng toan lên bán cả trời….” hay Hàn Mặc Tử: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho…” thì quả là đáo để. Khi đã bị “thơ nhập” thì bất kể, đến trời nhà thơ cũng rao bán, làm ta liên tưởng đến câu nói: “Bán trời không mời Thiên Lôi”.
Tuy nhiên, có lẽ do thơ truyền thống rõ ràng, dễ hiểu nên dễ bị săm soi về chữ hoặc câu (về mặt ý nghĩa) thừa, không cần thiết – có khi vướng víu dòng chảy của tứ thơ. Ví dụ:
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ "dòng kênh"
…   …   …
(Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư, thơ của Đinh Thị Thu Vân)

Chữ “đành” không cần thiết. Không những thế, lại không hợp với câu thơ.
Chữ “chữ” không chính xác; phải nói “hai chữ” (hoặc “từ”) “dòng kênh” mới đúng. Nhưng tốt nhất là bỏ đi, để “dòng kênh” đứng một mình - vừa gọn, vừa hay. 

Cũng có khi vì bám sát theo vần điệu mà bị bắt bẻ là để cho chữ, nhóm chữ hoặc câu thơ cản dòng chảy của tứ thơ. Ví dụ:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng 
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều 
Mải mê đuổi một con diều 
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Chăn Trâu Đốt Lửa, thơ của Đồng Đức Bốn)

Rạ rơm ít, gió lại nhiều, đốt lửa lên mà không luôn tay chăm sóc thì chỉ một loáng là lửa tắt; đàng này lại còn lo thả diều thì củ khoai chưa chắc đã chín chứ nói gì đến cháy thành tro. Câu “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” gây khó khăn, cản trở cho việc cảm nhận ý của câu kết “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

Đó là chưa kể đến ở thể thơ lục bát, nếu dễ dãi trong cách nói bắt vần cũng bị cho là hò vè, là sến sẩm chớ không phải thơ.

Lại nữa, làm thơ theo lối cổ điển thì nếu viết thiếu chữ, viết lạc vần là bạn đọc nhận ra ngay. Ôi thì là… thơ với thẩn!

Nhưng nói đến thơ tự do, thơ cách tân thì lại khác. Thơ cách tân sáng tác theo từng đoạn, từng  nhóm chữ. Người đọc phải đọc hết đoạn, hết nhóm đó mới nắm được cái ý chính của nhà thơ muốn nói gì.

Thơ tự do, thơ cách tân cũng không câu nệ vào số câu, không phải tuân theo  niêm luật, vần điệu, muốn diễn tả ra sao thì  viết, miễn sao truyền đạt được những gì muốn nói với người đọc.

Tùy vào ý thích của mỗi người, trình độ thưởng thức, nhận định thấp cao,  tùy tâm trạng mà người đọc thấm thía, cảm thông cùng tác giả. Do đó, trong một bài thơ tự do, thơ cách tân,  nhà in sắp thiếu một hai câu hoặc lầm một hai chữ cũng ít ai nhận ra hoặc bắt bẻ phải như thế này thế nọ!!!

Và cũng bắt đầu từ đây, có một bộ phận những người làm thơ theo trường phái này đã sáng tác ra một loại thơ văn xuôi tẻ nhạt, xuống dòng cẩu thả, tùy tiện; ý tứ rối rắm khó hiểu rồi cho đó là phong cách thơ hiện đại.

Xin trích dẫn bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Quý:

THƠ KHÓ HAY LÀ SỰ HÙ DỌA NGƯỜI ĐỌC?

Trong thời gian qua, trên một số báo và tạp chí người ta đưa ra bàn luận về vấn đề thơ khó. Có vẻ như khái niệm thơ khó thường được gắn cho những bài thơ không viết theo kiểu truyền thống. Theo họ, khó hiểu là một đặc trưng của thơ cách tân và là sản phẩm tất yếu của đổi mới thi ca, không dễ tiếp cận được với đông đảo người đọc. Nói cách khác nó rất kén chọn người đọc, càng khó tìm được tri kỷ tri âm. Có tác giả còn hào hứng lý giải rằng, điều đó phản ánh đúng sự phức tạp bí ẩn của tâm hồn con người; mỗi cá thể là một vũ trụ riêng, một thế giới riêng nên thơ cũng phải như thế.
Không ai chối cãi sự đa dạng về phong cách thơ. Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu phong cách sáng tác. Hay nói chính xác hơn thì bài thơ mang dấu ấn sáng tạo riêng biệt của tác giả mà sự chọn lựa hình thức biểu hiện của họ bao giờ cũng mang tính tự do, độc lập rất cao. Tuy vậy, chúng ta không thể không thừa nhận rằng mỗi thể loại văn học đều có những đặc trưng, tiêu chí, biểu hiện chung của nó. Cũng là nghệ thuật sử dụng ngôn từ nhưng cách tổ chức tác phẩm của thơ khác văn xuôi và kịch bản sân khấu điện ảnh. Tính tổ chức của thể loại là điều có thật, dù rộng hẹp đến bao nhiêu cũng phải là nó, cao thấp thế nào cũng phải có giới hạn. Giới hạn thể loại buộc người cầm bút bay đúng quỹ đạo ngành nghệ thuật mình chọn lựa.
Thơ, trước hết hãy là thơ. Là tiếng nói của tâm hồn, là quy luật của cảm xúc (Xuân Diệu). Theo tôi, muốn làm được thơ tác giả phải hiểu thơ. Thế nào là thơ lục bát, thơ thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn…, thơ tứ tuyệt, thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ sắp đặt… rồi còn cấu tứ, thi ảnh, thi nhãn, tiết tấu, vần điệu… Quy luật, bí quyết nào để thơ có sức truyền cảm rộng rãi, sâu sắc và bền vững rồi tính đa nghĩa, biểu tượng, ẩn dụ… của nó; đó chính là những yếu tố, thủ thuật mà người sáng tạo thi ca không thể bỏ qua. Tự do, phóng túng đến bao nhiêu thì người làm thơ cũng phải tuân thủ những yếu tố đó. Đường bay của chim khác với đường bơi của cá, thổi cơm khác nấu rượu, nhịp phi của tuấn mã khác với bước chạy của trâu bò, hát khác với nói thông thường… Và, xin nhắc lại, cũ mới gì, truyền thống hay hiện đại thì thơ trước hết phải là thơ.
Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống. Tôi đã từng viết: Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới.
Xin lấy một ví dụ để chứng mình điều trên. Đó là bài Cây chuối của Nguyễn Trãi làm ra từ thế kỷ 15: Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm/ Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem.
Thơ ở đẳng cấp cao không lộ ra, không nói hết mọi điều nhưng không vì thế mà tù mù hũ nút, đánh đố người đọc. Cái bí ẩn cũng là cái mê hoặc của thi ca dẫn người đọc đi vào những mê lộ khám phá mới. Khám phá để nhận biết chiều sâu nội dung tư tưởng và tình cảm của tác phẩm cũng như vẻ đẹp của nghệ thuật. Nó gợi mở cho ta nhiều lối nẻo để kiếm tìm chứ không hề bưng bít khép kín. Nếu nói về miêu tả thì chắc không nhiều người tả cây chuối đẹp và lạ như thế. Bàn tới sự đa nghĩa thì chắc Cây chuối không thua kém thi phẩm nào. Trong tôi, hiện lên một Ức Trai đa cảm, đa tình lắm. Tự bén hơi xuân tốt lại thêm. Mối liên hệ giữa Mùa (xuân) – Cây (chuối) là mối liên hệ của tình yêu; đối chiếu vào con người ta thấy mạch yêu ấy không ngừng tuôn chảy. Cây bén hơi xuân, người bén hơi người, cả hai đều tươi tốt thêm. Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm. Tình yêu đã đến độ kết trái, tỏa hương nhưng hình như vẫn còn có điều gì đó nữa nên mới Tình thư một bức phong còn kín. Những nỗi niềm, những uẩn khúc, những mong ước chưa giãi bày thổ lộ? Những xao xác tơ non còn rưng rưng giấu kín trong lòng? Gió nơi đâu gượng mở xem. Theo tôi, đây là một mời gọi khám phá rất tinh tế và cũng rất hiện đại cách đây 6 thế kỷ rồi.
Thơ càng có nhiều tầng nghĩa càng sâu sắc, càng hay và hình như gắn với nó phải là sự tột cùng giản dị. Câu thơ Mái buồn nghe sấu rụng của Chính Hữu vừa có cảnh vật vừa có hồn người nhờ từ nghe. Tâm trạng con người được diễn đạt tinh tế và chính xác bằng một câu thơ cô đọng, không thừa không thiếu và quá gợi cảm. Phạm Tiến Duật viết: Vào rừng chẳng thấy lối ra/ Nhìn cây núc nác ngỡ là vàng tâm đầy ẩn ý đằng sau một câu thơ rất bình dị. Trần Đăng Khoa cũng thế, Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương, tính biểu tượng phát huy hiệu quả ở đây vượt xa câu Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Câu thơ từng được coi là bí ẩn của Nguyễn Xuân Sanh Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà chỉ là một kiểu viết cầu kỳ không làm tôi thích bằng Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu của Vũ Đình Liên hay Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh… của Đoàn Phú Tứ. Cái bí ẩn (tôi không muốn dùng từ khó hiểu) của thơ đâu phải là sự tù mù, rối rắm, càng không phải là để khéo léo giăng bẫy đánh đố người đọc. Những nhà thơ nổi tiếng xưa nay hình như không ai đưa thơ mình vào “chỗ khó” cả, với họ thơ phải có hồn và ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa và kín đáo như Chế Lan Viên liên tưởng: Những câu thơ lẫn khuất/Mọc góc xa của rừng; hay Lê Đạt thực ảo đan xen: Mùi mưa xưa/lòng chưa tạnh/ phố nhau đầu; hoặc lạ như Lưu Quang Vũ: Lòng như vầng trăng nhọn/ Chém giữa trời không nguôi…
Tôi không hiểu vì sao một số người lại nhân danh cách tân hiện đại thơ đi cổ súy cho kiểu viết tù mù, quái đản như trường hợp trường ca mang tên Ễn lên đêm của Lê Hưng Tiến. Ễn lên đêm là gì? Họ giải thích, đó là Em lên đỉnh. Đâu còn sự trong sáng của tiếng Việt nữa. Trời ơi là Trời, cái lối viết ngọng lô ngọng líu này mà là thơ ư? Là hiện đại thơ, đổi mới thơ, cách tân thơ, cách mạng thơ ư? (Nguồn http://lehungtien.vnweblogs.com/a36164/en-len-dem.html).
 Rồi, có kẻ tung hô ngợi ca kiểu viết: Những ngọn thác câm lặng đang đổ xuống rất mạnh/ những đế giày chuẩn bị vỡ tung/ chân tường mở cánh cửa thoát hiểm/ bụi mưa phùn hay châu chấu bay qua/ cả ngôi nhà lao đi chóng mặt/ sửng sốt, rã rời khi gặp bình minh của MVP hay: Bước chân trượt trên đá sỏi/ Xuống sườn dốc lòng hồ/ Nơi ấy nước nằm lõa lồ trên đất/ Thèm được biến tan/ Đồi nhả ra những viên đá rắn cứng/ Và làm đau những đầu lưỡi sóng của ĐDP…
Xin đừng hù dọa người đọc những kiểu viết như vậy nữa. Tôi tin rất nhiều bạn đọc thời nay đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là đổi mới thật đâu là đổi mới giả. Cũng đừng lấy cái khó của thơ để cột buộc những người không đồng tình hay phản đối lại kiểu viết ấy là cổ hủ lạc hậu, không biết đọc thơ hoặc bởi định kiến. Không ai có định kiến với thơ hay cả.
Tôi nhớ Nam Cao viết trong “Đời thừa”: Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có... Những cái gì chưa có là giá trị đích thực của văn chương nói chung và thi ca nói riêng chứ không phải là sự vẽ bày tạo ra Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối (Thơ cầm tay) như Chế Lan Viên tâm sự. Đừng trở thành những người làm thơ… đã không trả còn vay, còn ăn quỵt. Họ có mười mà tên tuổi đến mười mươi (Chế Lan Viên).
Cuộc tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản đơn tột cùng của một hòa âm, R.Tagore nói thế.
Hòa âm của thi ca có được trước hết nhờ sự bình dị, thẳng ngay của tâm hồn người cầm bút.
Nguyễn Hữu Quý
(Hết trích)
Sau cùng, trở lại vụ ông Phan Hoàng – Hội phó Hội Nhà Văn TP.HCM . Trong việc ai đó chuyển câu nói của ông: “Thơ dở là thơ rác” suy diễn thành “Thơ FB toàn là rác rưởi”, lại còn chế thơ nịnh vợ của ông ấy thành thơ “luyện lưỡi liếm hàu” là việc làm có thể nói là không đàng hoàng, dễ gây oan sai cho người khác.
Thơ là tiếng lòng của mỗi cá nhân, ông ấy không thích thì đừng đọc. Thật sự, tôi cũng đã từng đọc thơ ông ấy, tôi thấy cũng chẳng có chi để khen. Thế nhưng, tôi vẫn không cho thơ ông ấy là rác dù nó chẳng có chút gì gọi là thơ, thế là tôi không thích đọc thơ của ông ấy nữa. Tôi vẫn tôn trọng thơ ông bởi đó là bản chất, là suy nghĩ của ông, của riêng ông ấy, nói lên con người của ông ấy
Đôi khi người ta yêu bài thơ, thích câu thơ và trân trọng chép bài thơ, câu thơ ấy vào sổ tay rồi ghi rõ tên tác giả, nguồn gốc xuất xứ vì họ rung động, đồng cảm, họ cảm xúc với câu chữ, hình ảnh trong thơ. Cảm xúc rất riêng đó là sự tương giao giữa người làm thơ và người đọc thơ. Mỗi người có một tư duy độc lập, thích hay không thích đọc thơ của tác giả nào, viết theo thể loại nào là quyền và ý thích của mọi người, không ai có thể áp đặt ý thích, cách nghĩ của mình lên người khác. Đó cũng là suy nghĩ để tôi viết loạt bài này, và tôi xin khép lại vụ ông Phan Hoàng tại đây.

Với riêng tôi thì:
“Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”

…   …   …

Người ta làm thơ: cách tân,
tự do, hiện đại…; lời gần ý xa.
Thơ tôi mộc mạc thiệt thà
Gieo câu sáu tám rất là… chân quê!
Hồn nhiên sớm tối đi về
Mặc ai rẻ rúng, khen chê dập vùi
Chân thành câu lục buồn vui
Thẳng ngay câu bát ngậm ngùi đa đoan.
Tôi – người ở trọ trần gian
Cứ rong chơi, cứ ngang tàng cùng thơ.
Tôi là một kẻ lơ ngơ
Vịn câu lục bát theo bờ mà đi.
Biết tôi vốn chẳng là gì
Cứ làm thơ giữa thị phi cuộc đời.
Lục bát là lục bát ơi…!


Ngô Chí Trung






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét