Hồi còn đi học, tôi rất thích bài
thơ Hai sắc hoa ti-gôn của tác giả T.T.Kh. Có một giai thoại thú vị về sự ra
đời của bài thơ đã từng một thời xôn xao trên văn đàn.
T.T.Kh là một câu chuyện chưa
từng có trong lịch sử văn chương. Đó là câu chuyện về một thi sĩ bí ẩn bỗng
nhiên tung lên thi đàn mấy bài thơ tình tuyệt tác làm ngẩn ngơ độc giả rồi lặng
lẽ biến mất trong cái bàng hoàng sửng sốt của người yêu thơ.
Báo Thanh Niên đã có loạt bài
viết trích từ bản thảo cuốn sách “Giải mã
nghi án văn học” của tác giả Trần Đình Thu . Câu chuyện bắt đầu vào tháng
7-1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng
một truyện ngắn mang tên “Hoa ti-gôn”
của nhà văn Thanh Châu. Nội dung truyện ngắn tóm tắt như sau:
Có một họa sĩ nghèo mới ra trường. Trong một lần
đi tìm cảnh vẽ, chàng đã gặp một thiếu nữ đang hái hoa ti gôn trong vườn. Từ
đó, chàng đâm ra mê người đẹp, luôn đạp xe vào làng để ngắm trộm nàng hái hoa.
Năm tháng qua đi, chàng họa sĩ trở nên nổi tiếng.
Tranh vẽ của chàng bán được giá rất cao. Họa sĩ trở nên giàu có. Một mùa đông,
chàng đi vẽ ở một vùng nọ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi, họa sĩ trông thấy một
thiếu phụ. Chàng ngờ ngợ như đã từng gặp người này ở đâu. Cuối cùng nhớ ra,
nàng chính là cô gái hái hoa ngày ấy. Trong khi khiêu vũ với nàng, chàng nhắc
lại chuyện cũ. Nàng vô cùng ngạc nhiên.
Nàng kể chuyện cuộc đời mình cho chàng nghe. Nàng
lấy một người chồng môn đăng hộ đối nhưng cuộc hôn nhân quá tẻ nhạt. Từ đó,
nàng hay lui tới chỗ họa sĩ trọ để chơi và để chàng vẽ cho một bức chân dung.
Chuyện gì đến đã đến. Một buổi sáng, hai người đi chơi ở một ngôi chùa trên
đỉnh núi, chàng đã tỏ nỗi lòng mình. Nàng đáp lại tình yêu của chàng.
Chàng bàn với nàng trốn đi Nhật để chung sống với
nhau. Nàng nhận lời. Chàng về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc thì nhận được thư
nàng vào giờ chót. Nàng từ chối chuyến đi vì không đủ can đảm vượt qua. Trong
thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Chàng nhìn những nụ hoa hình quả tim vỡ,
đỏ hồng như nhuộm máu, lặng lẽ hôn lên những cánh hoa và khóc.
Bốn năm sau, một hôm chàng nhìn thấy trên bàn
mình một phong thư viền đen. Mở ra xem thì đó là của người chồng nàng báo tin
nàng đã chết. Chàng đáp xe lửa đến nơi để đặt lên mộ nàng dây hoa quen thuộc.
Từ đó, chàng luôn mua hoa ti gôn về đặt trong phòng mình.
Hoa ti gôn là một truyện ngắn không có
gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Truyện ký thác một tâm sự khắc khoải,
nhớ nhung hoài niệm. Hình ảnh dây hoa ti gôn được lặp đi lặp lại nhiều lần như
muốn khơi gợi một điều gì đó không tiện nói ra. Tác giả của nó - nhà văn Thanh
Châu, khi đó là một chàng trai trẻ 25 tuổi, vừa quyết định bước vào nghiệp văn
chương. Chàng cũng vừa trải qua một chuyện tình buồn.
Hai tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn
nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Vào tháng 9/1937, tòa soạn tuần báo Tiểu
thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ của một tác giả ký tên là T.T.Kh. Đó
là bài Hai
sắc hoa ti gôn , được đăng vào ngày 23/9/1937.
Giai thoại về bài thơ được đăng cũng rất đặc
biệt. Suýt chút nữa những người yêu thơ sẽ không được thưởng thức cái hay xuất
thần của bài thơ.
Nhà văn Ngọc Giao
kể rằng, vào một buổi trưa, cuối mùa thu năm 1937, ở toà soạn báo "Tiểu
thuyết Thứ bảy", khi những đồng nghiệp trong toà soạn đã về nghỉ gần
hết, chỉ còn lại Trúc Khê Ngô Văn Triện và ông. Trúc Khê Ngô Văn Triện còn nán
lại để dịch "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ ra quốc ngữ. Còn ông thì đã tiến đến chỗ mắc
áo để lấy mũ và ra về.
Nhưng đúng lúc đó
có tiếng kèn đám ma. Đám tang đang đi qua phố Hàng Bông, ông là người rất sợ
nghe tiếng kèn đám ma, nên ông mới nán lại thêm cho xe tang đi qua đã. Đã khoác
áo, đội mũ chỉnh chu, ông không muốn quay vào phòng trong mà kéo ghế ngồi tạm
lại chỗ gần cửa, gần nơi để cái sọt đựng giấy loại. Không biết điều gì xui
khiến, ông đưa tay vào sọt giấy loại, nhặt lên mấy tờ bị vo tròn và quẳng vào
đó chờ đi đổ xe rác.
Tẩn mẩn, ông vuốt
một tờ ra và đọc. Đó là một tờ giấy học trò khổ nhỏ. Một bài thơ. Chữ viết bằng
bút chì nguệch ngoạc, nét run, nét mờ, như thể viết ra một lần là xong và gửi
luôn cho toà báo. Theo quy định của báo là bài lai cảo phải viết trên một mặt
giấy sạch sẽ. Còn bài thơ nét chữ bút chì này lại viết trên cả hai mặt giấy.
Nhưng bài thơ đã khiến ông xúc động lạ thường, đó là bài "Hai
sắc hoa ti gôn" của T.T.Kh.
Và ông đã ngồi
lặng đi trong mối rung cảm đặc biệt. Rồi ông bước vội đến đưa bài thơ cho Trúc
Khê, yêu cầu đọc ngay. Trúc Khê thấy ông đang quá xúc động, cũng bỏ bút, cầm
đọc bài thơ. Và Trúc Khê cũng ngồi lặng đi, rồi đọc lại lần nữa. Ông già Trúc
Khê vỗ tay xuống bàn, nói với ông: “Sao lại có bài thơ tuyệt đến thế này...!”.
Rồi ngay sau đó,
Ngọc Giao gọi ông cai thợ sắp chữ nhà in lên, bảo sắp chữ ngay bài thơ ấy cho
số báo sắp ra. Vậy là "Hai sắc hoa ti gôn" đi vào đời sống
thơ ca Việt Nam ...". (Trích
dẫn Báo Nông Nghiệp Việt Nam
số thứ tư 28-12-2011, trang 13, mục hỏi
gì đáp nấy của GS. Nguyễn Lân Dũng).
Kể câu chuyện tâm sự hơn sáu mươi năm cũ, nhà văn
Ngọc Giao còn ghi vào cuốn sổ lưu niệm của một người bạn văn cùng thời: Phạm
Văn Kỳ, cũng từng làm thư ký tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ năm. Những dòng Ngọc Giao ghi vào
lưu bút của Phạm Văn Kỳ là: "…Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ rơi sọt
rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi
làm ăn cẩu thả, sơ suất bấy nhiêu… Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu
rĩ đó, thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác... thì đóa hải đường
"Hai sắc hoa ti gôn" đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi,
theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt tất cả… Trong đó, rất có thể cả những
áng văn hay mà cái anh thư ký tòa soạn quan liêu nhác lười, cẩu thả đã ném đi!”
Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn
đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết.
Giới văn nghệ xôn xao. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ
nữa. Bài thơ này có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến. Bài này được đăng trên
số báo ngày 20/11/1937. Và một năm sau nữa, tòa soạn nhận thêm bài Bài thơ cuối cùng . Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30/10/1938.
Từ đó, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy
không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại, có một
bài thơ cũng ký tên T.T.Kh gửi đến một tờ báo khác. Đó là Bài thơ đan áo.
Những bài thơ mang tên T.T.Kh đã làm cho độc giả
bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao
giờ xuất hiện ở đâu nữa. Không ai biết một chút gì về con người bí ẩn này. Nghi
án văn học T.T.Kh từ đó bắt đầu... (Theo Việt Báo)
Nói thêm
về nhà văn Thanh Châu với truyện ngắn “Hoa
ti-gôn” người đời cho nó là nguyên cớ làm xuất hiện bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh, một nữ
thi sĩ (?) mà đến nay chưa xác định được là ai. Đó là một ẩn số trong lịch sử
thi ca thời Thơ mới (1932-1945).
Ít người biết nhà văn Thanh Châu còn làm thơ. Bài
thơ ông làm lúc cuối đời là một di chúc bằng thơ như sau:
Đề bia mộ
người viết truyện
Mong
cỏ nội
Xoá đi ngàn chuyện dở
Để
trên mồ
Con dế đẫm sương kia
Vẫn
thay mình
Kể đẹp chuyện đêm khuya.
Mộ nhà văn được xây ở một nghĩa trang thành phố
Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, người ta thấy xuất hiện bên bia mộ một con dế mèn bằng
đá trắng, dài khoảng nửa mét mà thân nhân nhà văn không hề biết tác giả là ai.
Chắc chắn phải là một người yêu văn học, trân trọng nhà văn (nằm trong số ít
người biết bài thơ trên) mới kỳ khu làm chuyện lạ như vậy ! Thế là khi đã qua
đời, nhà văn Thanh Châu vẫn còn “tạo” thêm một ẩn số nhỏ.
Trong số bạn văn, có người bàn: Sau này bên mộ tác
giả Dế
mèn phiêu lưu ký đặt bức tượng nầy mới thích hợp. Nhưng nhà văn là
người sáng tạo cái mới, hẳn không thích cái gì lặp lại.
(Theo Những người…”rót biển vào chai” của Vân Long, NXB Phụ nữ 12/2009)
Bài thơ: Hai sắc hoa ti gôn
tác giả: T.T.Kh
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy"
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Ngô Chí Trung
(sưu tầm và tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét