Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Phân định “tục – thanh” và thể loại “phồn thực” trong thi ca



Theo báo An Ninh Thủ Đô, tập phóng sự “Những chuyện có thật về nhân quả và phật pháp nhiệm màu” của tác giả Hoàng Anh Sướng do NXB Hội nhà văn cấp phép xuất bản, ra mắt từ tháng 4 năm 2017. Quyển sách có độ dày 352 trang này bỗng gây ồn ào và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi đề cập đến một số bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Một vài quan điểm nhấn mạnh cuốn sách dâm ô và tục tĩu. Trái lại, nhiều người cho rằng chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ.
Quyển sách kể về những cái chết rùng rợn, bi thương của một gia đình ba đời làm nghề đồ tể. Tác giả trích nguyên lời nhân vật, trong đó gọi thẳng tên dân gian của bộ phận sinh dục nữ hay chẳng ngại ngùng nói thẳng chuyện sinh hoạt vợ chồng, trai gái. Nếu quyển sách chỉ là tập phóng sự hay tập truyện ngắn đơn thuần thì có lẽ sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đây là những mẩu chuyện được tập hợp trong một cuốn sách mà nhiều người cho là nói về đề tài phật giáo.
Chi tiết bị gán “dâm ô” trong bài viết là về một gia đình làm nghề đồ tể, về một con người từ bé đã chỉ quen với việc giết lợn, uống tiết lợn, sống bản năng, thất học và vô đạo. Tác giả Hoàng Anh Sướng cho biết toàn bộ những lời nói được cho là tục tĩu kia anh để cho nhân vật đồ tể nói.
Như vậy, một câu hỏi đặt ra: Tục – thanh phân định thế nào?
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn bày tỏ quan điểm: bất cứ câu chuyện nào phản ánh đời sống con người thì luôn có lời kể và lời thoại. Lời kể và lời thoại có tiêu chuẩn thẩm mỹ khác nhau. Trong một chỉnh thể văn bản, lời thoại không thể đánh đồng với lời kể. Tác giả càng lành nghề thì lời thoại càng mang đặc điểm của nhân vật, và càng xa lạ với lời kể. Nếu viết lời thoại của một cô gái điếm giống hệt lời thoại của một ông giáo sư, thì tác giả hãy vứt bút đi cho nhanh. “Khen chê một cuốn sách “dâm ô” không đơn giản chút nào”. Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn kết luận.
Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản thì khoảng cách giữa thanh – tục đôi khi phải căn cứ vào ngữ cảnh. Lời nói đó được đặt chỗ nào, trong hoàn cảnh nào.
Qua sự việc trên, xem ra chuyện “thanh – tục” còn nhiều điều phải bàn. Đương nhiên, sử dụng và thể hiện từ ngữ còn tùy thuộc tay nghề và bản lĩnh của người viết.
Trong lĩnh vực thi ca, dấu ấn “phồn thực” cũng được nói đến nhiều, có khác chăng là các tác giả tránh nói trắng phớ ra mà dùng cách nói ví von đầy tính ẩn dụ. Từ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du được gói ghém che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ thì đến Hồ Xuân Hương là một phong cách táo bạo, thách thức, nổi loạn, ngạo ngôn, ngạo đời đến sửng sốt nhưng đằng sau đó là nỗi niềm khát khao giao cảm với đời, chia sẻ với nỗi khổ của thân phận người đàn bà cô đơn. Hầu hết các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều có ý tả cảnh làm tình hoặc mô tả bộ phận sinh thực khí của nữ hoặc nam. (Thống kê 45 bài thơ của Hồ Xuân Hương, trong đó, miêu tả vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ: 15 bài (31,11%), cảnh sinh hoạt phòng the: 7 bài (15,55%), nỗi niềm khao khát bản năng: 20 bài ( 44,44%)… ). Biểu tượng của sinh thực khí và hình ảnh giao hoan nam - nữ hiển hiện trong thơ của bà như muốn phá tung, muốn giải tỏa những gì là bản năng do bị kìm nén, bị trói buộc bởi những lề thói khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến. Vì chứng kiến những cảnh tượng dâm - tục của giai cấp thống trị và tầng lớp quan lại tha hóa nhưng lại dở thói đạo đức giả, nên hình ảnh sinh thực khí của người phụ nữ: “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” đã được Hồ Xuân Hương đặt ngang với khuôn mặt của lớp người được coi là hiền nhân quân tử: “Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa”(Vịnh cái quạt).
Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người đọc cảm thấy rạo rực một thứ bản năng thôi thúc rất tự nhiên mà xưa nay họ cứ phải giấu diếm, che đậy, nay được Hồ Xuân Hương giãi bày hộ. Cái bản năng tự nhiên, trần tục vốn xa lạ trong sáng tác văn học – thi ca trung đại, thì giờ đây trở thành hình tượng nghệ thuật trong thơ bà và biểu lộ sự tự ý thức về bản ngã, về vẻ đẹp thể xác và tâm hồn của người phụ nữ, về dục vọng lành mạnh. Nó là báu vật của đời khiến cả tầng lớp được coi là hiền nhân quân tử dù “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”, thậm chí đến vua, chúa cũng “chúa dấu vua yêu một cái này”, “cho ta yêu dấu chẳng rời tay”, “yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày”.
Ví như, đánh đu là một trong những biểu tượng tính giao có lẽ cổ sơ hơn cả. Đó là một trò chơi không thể thiếu được trong những ngày Tết hoặc hội xuân ở làng quê. Mùa xuân là lúc trời đất, âm dương giao hòa, thuận lợi cho muôn vật sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, để cân bằng âm dương, thường thì một nam một nữ cùng chơi. Trường hợp bất đắc dĩ, nếu hai người cùng giới “lên đánh” thì những “kẻ ngồi trông” ở bên dưới phải khác giới. Khi cây đu chuyển động thì chính là sự chuyển động của người đàn ông (so với người đàn bà) từ nằm dưới lên nằm trên, rồi lại từ nằm trên xuống nằm dưới. Còn người đàn bà thì ngược lại. Đây là sự bù trừ, đắp đổi, sự giao hòa năng lượng nam và năng lượng nữ mang ý nghĩa phồn thực. Bài thơ “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương đầy những chuyển động, những màu sắc, không khí tươi vui của xuân trong trời đất và xuân trong lòng người: “Trai đu gối hạc khom khom cật”, “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, “Bốn mảnh quần hồng bay phới phới”, “Hai hàng chân ngọc duỗi song song”. Những hình ảnh trên cộng với cách dùng từ dôi nghĩa như "trồng" (tiếng miền Bắc đọc chệch là “chồng”), xếp chồng lên nhau, chồng vợ: Bốn cột khen ai khéo khéo trồng! Phụ âm đầu c, l trong câu “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”, các từ láy đôi đầy ám ảnh: Khéo khéo, khom khom, ngửa ngửa, phới phới, song song, làm bài thơ dậy lên nghĩa khác, nghĩa tục, chỉ hành động tính giao.
Tình dục chỉ trở thành bệnh thái hay dâm tục khi nó được chứa trong một tâm hồn dâm đãng và một thành kiến luân lý giả tạo. Trong bài Quả mít “Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì múi nó dày/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay ”, ngôn ngữ tự nó không thanh cũng không tục. Cái thanh cao hay tục tĩu là do người nghe và nghĩ ra mà thôi. Ai cũng biết, quả mít muốn mau chín thì hái xuống, đóng cọc vào, đừng có táy máy rờ rẫm, sờ mó mà nhựa dính tay, vậy thôi. Chưa nói đến chuyện, cái dục trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là cái dục hạ đẳng, mà là cái dục rất thanh tao, đẹp đẽ vì nó hướng đến một mục tiêu rõ rệt là nhằm tôn vinh vai trò và vị trí của phái nữ trong xã hội và trong gia đình. Với xã hội, người phụ nữ làm gia tăng vẻ đẹp, sự bất tử của khát vọng khôn cùng, là chiếc chìa khóa của sự sinh sôi, nảy nở. Còn trong gia đình, người phụ nữ tạo nên sự hòa hợp âm - dương, giúp cho con người được thăng hoa, được đạt đến cõi cực lạc ngay chốn trần gian này: “Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn/ Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi/ Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười”...
Thời hiện đại, thể loại “phồn thực” cũng được nhiều thi sĩ thể hiện. Bài thơ sau đây của Trần Mạnh Hảo là một ví dụ:
Cám ơn tình dục
“Nếu không dâm sao lại nảy ra hiền”
(Nguyễn Công Trứ)
Nếu mà tình dục xấu xa
Làm sao Phật, Chúa sinh ra trên đời
Cám ơn thân xác tuyệt vời
Cho thăng hoa lại gấp mười thăng hoa
Linh hồn mọc ở đâu xa
Từ trong xác thịt nở ra tinh thần
Em đừng buồn giận vong thân
Nếu không có DỤC thì NHÂN chẳng còn
Có âm dương mới vuông tròn
Có lồi bù lõm, có hòn bù sâu
Cám ơn tình dục nhiệm mầu
Cho thân xác vượt qua cầu tình yêu
Huế 18-4-2014
Một nhà thơ khác - Phạm Công Trứ - cũng viết từ thể thơ lục bát: “Dù đài các hay quê mùa/ Cũng thích phần xác, cũng ưa phần hồn/ Dẫu chọn thực hay chọn khôn/ Chung quy vẫn một vần “ồn” mà ra” đến thể thơ 4 chữ: “Thoạt đầu khỏa tay/ Nuột nà tay trắng/ Rồi thì khỏa chân/Ngọc ngà chân thẳng/ Rồi thì khỏa ngực/ Mởn mơ ngực hồng/ Rồi thì khỏa hông/ Hông đầy ngồn ngộn/ Bây giờ khỏa rốn/ Rốn tròn bây-by/ Rồi nữa khỏa gì/ gặp em hỏi nhỏ/ Em cười quay đi!”. Kiểu “phồn thi” của Phạm Công Trứ hơi có tính hài, bình dân. Ta đọc thêm bài thơ có tựa đề “XUÂN” của ông:
Nếu mùa xuân có môi
Tôi tin môi xuân đỏ
Nếu mùa xuân có má
Tôi tin má xuân hồng
Nếu mùa xuân có mông
Tôi tin mông xuân đẫy
Tôi tin cái mây mẩy
Của mùa xuân cũng hồng
Xuân có tin tôi không?
Các nhà văn, nhà thơ thường nhân cách hóa mùa xuân là thiếu nữ, là phái đẹp… Mà giới nữ thì môi đỏ, má hồng, mông đẫy đó là sự vật cụ thể mắt thường nhìn thấy hiển nhiên. Chứ còn cái mây mẩy của mùa xuân là cái gì, hình dáng ra sao mà cũng màu hồng thì xin chịu! Hỏi một số người yêu thơ, phần đông họ thích thú ra mặt nhưng chỉ tủm tỉm cười, không thể nói ra được. Bởi có nói khéo thế nào thì cũng sợ bị chê là thô thiển. Thì như tôi đã nói, ngôn ngữ tự nó không thanh cũng không tục. Cái thanh cao hay tục tĩu là do người nghe và nghĩ ra mà thôi.
Riêng “cái mây mẩy của mùa xuân cũng hồng” tôi cho là ý tưởng lạ, là “đặc sản” của riêng nhà thơ Phạm Công Trứ.
Ngô Chí Trung
17-6-2017

Bài tham khảo:
- Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trong thơ Việt Nam trung đại. (Đỗ Lan Hiền).
- Vấn đề dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương. (PGS. TS. Đỗ Lai Thúy).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét